Giải pháp đặc biệt cho ngân hàng yếu kém
VOV.VN - Phương án cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt gồm: phục hồi, sáp nhập - hợp nhất, chuyển giao bắt buộc, phá sản…
Sáng nay (26/10), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường để đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là nên hay không nên áp dụng giải pháp chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém.
Phương án cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD trình bày trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị không quy định trong dự thảo Luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế trong Luật này để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của pháp luật về thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, không quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại TCTD, không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất những nội dung về các chính sách thuế, khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Ông Vũ Hồng Thanh lưu ý, quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị cần kết cấu lại các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để phân tách rõ nhóm phương án phục hồi và nhóm phương án xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi như giải thể, phá sản, chuyển giao bắt buộc cho đồng bộ và khả thi khi triển khai.
Ý kiến này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, dự thảo luật mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng phân chia lại các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được thống nhất, rõ ràng hơn.
Theo đó, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc; và phương án phá sản. Các bước xử lý tổ chức tín dụng yếu kém
Chủ nợ lớn có quyền yêu cầu ngân hàng phá sản?
Hai phương án là chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp. Về phương án chuyển giao bắt buộc, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế, điều kiện, đối tượng, tiêu chí chỉ định TCTD nhận chuyển giao bắt buộc; đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc chỉ là TCTD, nhà đầu tư hay cần quy định Nhà nước cũng đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc trong một số trường hợp.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát toàn bộ các quy định về chuyển giao bắt buộc của dự thảo Luật cả về điều kiện, trình tự thủ tục, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, biện pháp hỗ trợ... Trường hợp không có TCTD, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc; không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương và thực hiện phương án phá sản.
(Ảnh minh họa: Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh OceanBank Hà Nội - Nguồn: Kinh tế đô thị)
Dự thảo Luật không quy định về phương án mua bắt buộc TCTD mà bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng thương mại, ông Thanh nêu rõ.
Về phương án phá sản, có ý kiến cho rằng, cần bổ sung mở rộng thêm đối tượng có quyền nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là các chủ nợ lớn, công đoàn, cổ đông hoặc các nhóm cổ đông sở hữu cổ phần lớn của TCTD.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi phương án phá sản đã được phê duyệt, để bảo đảm xử lý kịp thời TCTD yếu kém, không có khả năng phục hồi, dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền của Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu TCTD nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng khác thực hiện theo quy định của Luật Phá sản./.