Hà Nội có “chốt” được mặt bằng Dự án “rùa bò”?
VOV.VN - Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II là một trong những dự án có số lần kỷ lục về giãn tiến độ.
Sau gần 10 năm triển khai, Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng và hiện trở thành một trong những Dự án có số lần kỷ lục về giãn tiến độ.
Tháng 7 vừa qua, một lần nữa, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lên dây cót “chốt” thời hạn bàn giao mặt bằng trước ngày 30/8. Liệu mục tiêu này có thành hiện thực hay tiếp tục lỗi hẹn?
Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015, nhưng đến nay (tức chỉ còn 4 tháng), nhiều gói thầu vẫn còn vướng mặt bằng. Theo thống kê của Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội, hiện mới có 6/16 gói thầu hoàn thành, còn lại đang thi công dang dở vì thiếu mặt bằng; trên 400 phương án chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có 150 phương án dự kiến phải tổ chức cưỡng chế.
Các quận huyện chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng là Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Ba Đình.
Tại quận Đống Đa, địa phương còn tồn tại nhiều phương án giải phóng mặt bằng nhất (180 trường hợp) thì điểm “nghẽn” là hai bên sông Lừ, chợ quần áo cũ. Tại đây, một số công đoạn cho Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II gần như bất động.
Dự án thoát nước chậm tiến độ sẽ ảnh hướng lớn đến môi trường sinh thái, khả năng chống úng ngập. |
Theo lý giải của Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Đống Đa thì cái “khó” là sự thiếu hợp tác của người dân và xác định nguồn gốc đất. Người dân cho rằng, sau khi phải mất đất cho Dự án thoát nước giai đoạn I chưa lâu thì nay họ lại tiếp tục phải nhường đất cho giai đoạn II.
Ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Đống Đa cho biết, phương án đền bù cho phường Trung Tự tổng là 188, nhưng hiện còn 97. “Phường Trung Tự có sự thay đổi lãnh đạo nhiều trong quá trình triển khai dự án vì dự án này quá lâu rồi nên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Tổ 51 cũ thì có 26 hộ thì chỉ có 4 hộ hợp tác, 22 hộ còn lại không đồng ý với quy hoạch cải tạo sông Lừ giai đoạn II,” ông Hòa phân trần.
Việc xác định nguồn góc đất, đúng là có cái khó, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao nhiều nơi khác làm được, mà quận Đống Đa vẫn không “xuôi”? Nhiều năm trôi qua, với hàng chục, hàng trăm cuộc họp bàn, lên phương án, ngày 20/7 vừa qua quận Đống Đa mới có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng dẫn giải quyết 71 trường hợp vướng nguồn gốc đất tại phường Trung Tự.
Vì sao có sự chậm trễ này và để tìm hiểu cách tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại địa bàn được coi là điểm “nóng” Trung Tự, phóng viên VOV đã liên hệ với ông Bạch Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Trung Tự và được ông hẹn lịch làm việc. Tuy nhiên, khi PV đến phường thì ông Bạch Văn Dũng lại đi vắng, nhiều lần liên lạc điện thoại nhưng ông Dũng không trả lời.
Không chỉ khó khăn trong việc xác định nguồn góc đất, mà ngay cả công tác tái định cư cho người dân phục vụ dự án, quận Đống Đa cũng thực hiện rất chậm. Báo cáo của Ban quản lý Dự án thoát nước ghi rõ: Mặc dù Sở Xây dựng đã bố trí đổi 31 căn hộ tuyến sông Lừ theo yêu cầu của quận và đã ban hành giá nhà tái định cư từ tháng 6/2015, nhưng đến nay quận Đống Đa vẫn chưa tổ chức bốc thăm nhà tái định cư cho các hộ dân.
Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội cho biết, việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện Dự án trọng điểm này.
Thi công Dự án thoát nước tại quận Hoàng Mai. |
“Công tác giải phóng mặt bằng cho dự án thoát nước giai đoạn II này chúng tôi cũng rất sốt ruột tại các quận huyện. Thành phố cũng đã chỉ đạo là yêu cầu các quận huyện đến 30/8 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao lại cho đơn vị thi công, để hoàn thành dự án trong năm nay. Trên thực địa thì hiện chúng tôi đang nhận mặt bằng trên 80-85%, ông Cường nói.
Sự chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng đã làm mục tiêu cải tạo môi trường sinh thái, nâng cao năng lực thoát nước cho vùng lõi Thủ đô phải chậm thêm nhiều năm so với dự kiến. Với những gì đang diễn ra trên thực địa, rõ ràng, hạn chót (30/8) mà Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt ra cho việc bàn giao mặt bằng Dự án có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng này vẫn, là câu hỏi lớn./.