Hà Nội đầu tư 87.000 tỷ đồng cho 4 dự án đường sắt đô thị
VOV.VN - HĐND TP. Hà Nội đã thông qua dự kiến tổng mức đầu tư trên 87.000 tỷ đồng cho 4 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị.
Chiều 3/7, tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết phê duyệt danh mục, kế hoạch vốn các dự án xây dựng cơ bản tập trung của Thành phố và các dự án hỗ trợ ngành dọc khởi công mới trong giai đoạn 2017-2020 và danh mục, kế hoạch vốn các dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ các huyện, thị xã thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của TP. Hà Nội.
Quang cảnh phiên họp ngày 3/7 |
HĐND TP Hà Nội cũng thông qua dự kiến đầu tư hơn 87.000 tỷ đồng cho 4 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội cần triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 bao gồm: Xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến 3 đoạn Ga Hà Nội-Hoàng Mai; xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến 2 đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình; tuyến đường sắt đoạn Nam Thăng Long-Hà Nội và tuyến 5 đoạn Văn Cao-Hoà Lạc.
Với các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị, nguồn kinh phí được bố trí từ nguồn vốn chuẩn bị đầu tư cho các đự án xây dựng cơ bản tập trung của Thành phố, các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Nghị quyết còn bao gồm danh mục 4 dự án và tổng kế hoạch vốn thực hiện chương trình mục tiêu về giảm ùn tắc giao thông, khởi công mới trong giai đoạn 2017-2020 là 630 tỷ đồng trong tổng số 1.000 tỷ đồng trong 5 năm 2016-2020 là các dự án: Xây dựng cầu Bắc Linh Đàm mở rộng đường Nguyễn Khoái (đoạn từ nút giao Vành đai I đến Lương Yên); cải tạo, chỉnh trang khu vực nút giao đầu cầu phía Bắc cầu Chương Dương; Trung tâm giám sát, điều hành về ứng dụng CNTT TP. Hà Nội (phục vụ lĩnh vực kinh tế-xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, dịch vụ công, giao thông công cộng...).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, với các dự án để khởi công mới trong giai đoạn 2017-2020, trong điều kiện nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2017-2020 lên tới khoảng 55 nghìn tỷ đồng nhưng nguồn vốn hiện thức có khả năng phân bổ chỉ hơn 21 nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, nguyên tắc bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên hàng dọc (các dự án cần triển khai cấp bách sẽ đẩy nhanh tiến độ thủ tục đề xuất cơ chế đặc thù và bố trí vốn triển khai ngay).
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, với cách đổi mới phương án bố trí vốn theo nguyên tắc hàng dọc, các dự án sẽ tiết giảm chi phí đầu tư khoảng 5-10% tổng mức đầu tư do rút ngắn thời gian thi công, tránh được tình trạng trượt giá, tăng tổng mức đầu tư, bảo đảm sớm đưa công trình vào sử dụng.
Báo cáo về việc thẩm tra Nghị quyết nêu trên, bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách cho biết, Ban Kinh tế ngân sách cơ bản thống nhất với nguyên tắc phân bổ và thứ tự ưu tiên bố trí vốn cho các dự án khởi công mới và các dự án ngân sách hỗ trợ các quận, huyện, thị xã giai đoạn 2017-2020.
Ban Kinh tế Ngân sách đánh giá cao nguyên tắc bố trí vốn và tập trung để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án theo quy định của Trung ương./.
Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội tuân thủ quy định xây dựng nhà cao tầng
Chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội tăng cao nhất từ trước đến nay
Hà Nội rút dự án thu hồi đất tái định cư ở xã Đồng Tâm