Hai năm thực thi CPTPP: Doanh nghiệp vẫn “mù mờ” thông tin
VOV.VN - Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đã hơn 2 năm, nhưng theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam những kết quả đạt được còn thấp hơn so với kỳ vọng.
Nguyên nhân không chỉ từ các yếu tố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu, đại dịch Covid 19 mà còn ở các vấn đề chủ quan của chính các doanh nghiệp.
Sau hai năm thực thi Hiệp định, các doanh nghiệp vẫn gặp những vướng mắc như thiếu thông tin về các cam kết, chậm chạp và thiếu linh hoạt trong tổ chức thực thi CPTPP và các Hiệp định Thương mại tự do của các cơ quan nhà nước. Cùng với đó là một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho doanh nghiệp...
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác; 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Đáng báo động là cứ 20 doanh nghiệp mới có một doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Về các tác động cụ thể trực tiếp, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có một doanh nghiệp đã từng được trải nghiệm “trái ngọt” từ Hiệp định.
Ông Phạm Mạnh Cổn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty TNHH ElTex Việt Nam nêu thực tế: "Khi hội nhập, tham gia vào CPTTP thị trường rất mở song là thách thức lớn. Do đó muốn phát triển thì doanh nghiệp bắt buộc phải có định hướng nhất định, hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa hiểu biết nhiều về CPTTP. Nếu có những hướng dẫn rõ ràng cụ thể sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin nhằm xây dựng chiến lược của mình một cách sát nhất với thực tiễn".
Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, không thể phủ nhận Hiệp định CPTPP đã đem tới những kết quả tích cực cho ngành da giày, như tỷ lệ nội địa hóa được nâng lên 55%, xuất khẩu được đẩy mạnh sang các thị trường tiềm năng như Canada, Mexico…
Tuy nhiên, nhìn sâu vào con số xuất khẩu của ngành, thì doanh nghiệp FDI đang tận dụng hiệu quả CPTPP hơn doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều. Trong khi đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta về khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua nắm bắt các luật chơi vẫn còn nhiều hạn chế.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết thêm: "Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ loanh quanh ở “ao làng” chưa ra được thế giới. Chúng ta đang muốn tập trung phát triển những doanh nghiệp đó mới giúp cho kim ngạch tăng trưởng một cách thực sự, nội lực của những doanh nghiệp. Đấy mới là những doanh nghiệp cần để phát triển. Chúng tôi rất mong muốn, doanh nghiệp cần phải có thông tin một cách đầy đủ về CPTPP, yếu ở đâu phải có hỗ trợ đó. Ví dụ như các chương trình xúc tiến thương mại, họ cần cái gì, hỗ trợ thị trường nào, kể cả năng lực cung cấp về vốn".
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, thực tế, nhiều nước không nằm trong khối CPTPP nhưng đã nhìn thấy được những cơ hội mà Hiệp định đem lại cho Việt Nam. Do đó, trước khi CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp các nước này đã đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế xuất khẩu tại thị trường những nước tham gia Hiệp định.
Vì vậy yêu cầu đặt ra là, các ngành sản xuất của Việt Nam cần gia tăng nội lực, tránh để các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng làm điểm trung chuyển hàng hóa để hưởng lợi thuế từ CPTPP, cũng như các FTA khác. Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường về truyền thông, thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho các doanh nghiệp về thị trường. Từ đó để định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, giúp nâng cao năng lực.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và quyết định thành công trong bối cảnh hội nhập.
Theo ông Vũ Tiến Lộc: "Coi việc nâng cao cạnh tranh là yêu cầu quan trọng nhất, bên cạnh đó là biến động của thị trường và sau đó là công tác thực thi của cơ quan. Doanh nghiệp phải nhận thức rằng mình phải tự cứu mình, phải tự vượt lên, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Đó là điểm cốt lõi tạo sự thành công của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, tất nhiên để doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, cần sự hậu thuẫn của Nhà nước bằng thể chế, cũng phải có những cơ hội thị trường, có không gian thị trường; năng lực cạnh tranh là yếu tố cốt lõi để quyết định thành công của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và phát triển trong những năm tới".
Thị trường 11 quốc gia tham gia CPTPP là những nước có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa. Do đó, để tận dụng được những lợi thế những ưu đãi từ Hiệp định, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về yêu cầu cụ thể, đi sâu vào những cơ hội, cam kết và hướng dẫn doanh nghiệp cần phải làm gì… thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động nắm bắt thông tin để có những thay đổi phù hợp trong thời gian tới.
Đồng thời, nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị nhằm có những tăng trưởng xuất khẩu bền vững hơn, cũng như tận dụng hiệu quả lợi thế từ Hiệp định nhiều hơn./.