Hải sản ở Quảng Ninh "bí" đầu ra vì dịch Covid-19
VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các loại hải sản đều bị ứ đọng, tỉnh Quảng Ninh đã tìm giải pháp giúp bà con tiêu thụ sản phẩm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cường, thôn 4, xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh có 6ha nuôi hà treo dây và hàu. Dù đã bước vào vụ chính, nhưng đến nay gia đình chỉ thu hoạch cầm chừng vì đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn.
Vào thời điểm này năm ngoái, gia đình ông Cường đã thu hoạch gần hết hà treo dây và hàu, cho lãi gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khả năng tiêu thụ sản phẩm đã ở mức chạm đáy, việc bao tiêu sản phẩm không có khiến gia đình gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Cường cho biết, nếu thu hoạch hết chỉ lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng: “Trước đây thương lái đến tận nhà mua, mỗi ngày 4 - 5 tạ ruột. Bây giờ bán ở chợ chỉ được khoảng hơn 1 tạ. Tôi lo mấy hôm nữa nắng lên, hàu hà bị ảnh hưởng, có thể chết. Xung quanh bao nhiêu bãi hà, hàu nhưng không ai dám thu hoạch”.
Ông Nguyễn Văn Cường chỉ dám thu hoạch cầm chừng do không có thị trường tiêu thụ hàu, hà treo dây. |
Hoàng Tân là một trong những xã có diện tích nuôi trồng lớn nhất thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh với 80% người dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng nhuyễn thể. Ông Ngô Doãn Cương, Chủ tịch Hội nông dân xã Hoàng Tân tính toán, dù đã xé lẻ ra bán nhưng cũng chỉ giải quyết được 1/3 số nhuyễn thể đang vào vụ thu hoạch của địa phương.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con tích cực bán lẻ, tiêu thụ bớt sản phẩm tránh để lâu ngày xảy ra dịch bệnh dẫn tới hàu, hà chết. Giá cả sản phẩm năm nay thấp so với mặt bằng mọi năm nhiều. Lượng nhuyễn thể tồn đọng tại xã Hoàng Tân còn khoảng 1.000 tấn”, ông Ngô Doãn Cương nói.
Không chỉ có thị xã Quảng Yên, sản lượng nông sản còn tồn đọng chủ yếu ở lĩnh vực thủy sản còn rất lớn. Trong đó, ngao hai cùi còn 3.000 tấn; hàu cửa sông, hàu đại dương là 7.000 tấn; 180.000 quả trứng gà... tập trung tại huyện Vân Đồn, Đầm Hà, Quảng Yên. Đó là chưa kể một số sản phẩm sẽ vào vụ thu hoạch chính khoảng 2 tháng tới như: 700 tấn chè khô, 400 tấn tôm, các loại thủy sản khai thác khoảng 2.500 tấn...
Các loại nhuyễn thể tại Quảng Ninh đang vào vụ thu hoạch, được mùa nhưng rớt giá vì dịch Covid-19. |
Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các Sở, ngành tìm biện pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản khi dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Một trong những giải pháp tình thế là vận động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các doanh nghiệp và người dân tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến đến hết tuần có khả năng thu mua được 30 tấn.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sở Công Thương đã chủ động làm việc với các Trung tâm thương mại lớn, các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết tiêu thụ hàng cho bà con; phối hợp với đơn vị thu mua đầu mối vận chuyển ngao tới các chợ truyền thống, đưa đến tận tay người dân tiêu thụ; đề nghị doanh nghiệp lớn đưa các sản phẩm ngao vào các bữa ăn tập thể. Sở Công Thương đã làm việc với Cục thị trường trong nước và Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".
Thực tế cho thấy, chuỗi liên kết nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản tại Quảng Ninh có những hạn chế, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Đầu ra của sản phẩm phần lớn do người dân tự tìm, bị động chờ thương lái đến tận nơi thu mua. Trong khi đó, với diện tích khoảng 20.000 ha nuôi trồng thủy sản, 4.500 ha bãi triều cho thu hoạch 68.000 tấn nhuyễn thể mỗi năm, Quảng Ninh hoàn toàn có thể tạo thành chuỗi liên kết giữa nuôi trồng, tiêu thụ nông sản sạch, phát triển các cơ sở chế biến, đóng gói hải sản để tránh yếu tố mùa vụ và giảm rủi ro khi gặp dịch bệnh.
Người dân Hoàng Tân phải xé lẻ hà ra bán tại các chợ cóc của địa phương. |
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Quảng Ninh có 9 doanh nghiệp chế biến thủy sản đã có mã xuất khẩu vào Trung Quốc; 2 doanh nghiệp có mã xuất khẩu vào thị trường châu Âu; một số doanh nghiệp có mã xuất khẩu vào Nhật Bản. Thời gian tới chúng tôi sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện thủ tục, đáp ứng yêu cầu của các thị trường châu Âu và trong khu vực”.
Tạo thói quen tiêu dùng mới, như sử dụng các sản phẩm đóng gói tại địa bàn phong phú hải sản tươi sống như Quảng Ninh không phải là câu chuyện dễ dàng. Nhưng việc nâng cao năng lực chuỗi liên kết nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản sạch là việc làm cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo vùng sản xuất chuyên canh chuyên nghiệp, bài bản.
Hơn nữa, thay vì trông chờ việc sẽ có tiểu thương đến thu mua với số lượng lớn, các hộ nuôi trồng cần chủ động tìm các đầu ra, các kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại các chợ truyền thống lớn trong tỉnh. Bởi việc chậm thu hoạch các sản phẩm nhuyễn thể không chỉ thiệt hại về kinh tế hộ gia đình mà còn cả môi trường sống khi thời tiết đang bắt đầu nắng nóng./.
Xuất khẩu hải sản sang thị trường EU sụt giảm mạnh vì "thẻ vàng"