Hàng trăm xe biển ngoại giao tạm nhập nhưng “quên” tái xuất
Đại sứ quán Vương quốc Campuchia còn tới 155 xe ô tô, Đại sứ quán Indonesia còn 22 xe ô tô quá hạn chưa thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, tái xuất.
Mới đây, Cục Hải quan thành phố Hà Nội có công văn gửi Đại sứ quán Vương quốc Campuchia về việc cấp giấy phép tạm nhập khẩu xe ô tô cho ông Sok Samath - nhân viên Đại sứ quán Campuchia.
Tại công văn này, Cục Hải quan thành phố Hà Nội cho biết, qua theo dõi, đến thời điểm hiện tại Đại sứ quán Vương quốc Campuchia đã tạm nhập 178 xe ô tô miễn thuế, trong đó còn tồn 155 xe ô tô quá hạn chưa thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, tái xuất, tiêu huỷ đúng thời hạn quy định.
Cục Hải quan thành phố Hà Nội trước đó đã gửi công văn nêu rõ nội dung đề nghị phối hợp để có cơ sở xem xét cấp giấy nhập khẩu ô tô của ông Sok Samath.
“Vì vậy, đề nghị Đại sứ quán thực hiện thủ tục chuyển nhượng, tái xuất, hoặc tiêu huỷ các xe ô tô đã quá thời hạn nhập khẩu theo đúng quy định về quản lý xe ngoại giao”, Cục Hải quan thành phố Hà Nội cho biết.
Cùng với Đại sứ quán Vương quốc Campuchia, gần đây phía Văn phòng Tuy viên Quân sự Đại sứ quán Indonesia cũng có hồ sơ đề nghị cấp giấy nhập khẩu xe ô tô Toyota Highlander.
Theo phía Cục Hải quan thành phố Hà Nội, qua theo dõi, hiện nay số lượng xe ô tô, xe máy tạm nhập khẩu của Đại sứ quán và cá nhân làm việc tại Đại sứ quán Indonesia còn tồn 22 xe ô tô và 9 xe máy đã quá thời hạn tạm nhập khẩu chưa làm thủ tục chuyển nhượng, tái xuất hoặc tiêu huỷ.
Theo quy định, khi đến công tác tại Việt Nam, các nhân viên ngoại giao được mang một xe ôtô vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian tạm nhập khẩu, xe mang biển ngoại giao sẽ phải tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng xe ôtô.
Gần đây, Chính phủ vừa ban hành Quyết định 10/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 53/2013/QĐ-TTg (ngày 13/9/2013) về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.
Để được tạm nhập khẩu miễn thuế ôtô và xe gắn máy vào Việt Nam, phải được Bộ Ngoại giao cấp tiêu chuẩn tạm nhập khẩu tại sở định mức hàng miễn thuế theo quy định. Đối với trường hợp người kế nhiệm đề nghị tạm nhập khẩu xe ôtô , xe gắn máy, Bộ Ngoại giao chỉ cấp tiêu chuẩn tạm nhập tại sở định mức hàng miễn thuế khi người tiền nhiệm đã hoàn thành thủ tục tái xuất hoặc tiêu hủy ôtô, xe gắn máy, chuyển nhượng theo đúng quy định, trên cơ sở thông báo của cơ quan hải quan.
Một điểm đáng chú ý, theo quy định mới này, Chính phủ đã mở rộng hơn đối tượng được mua xe ngoại giao. Theo đó, tại thời điểm chuyển nhượng, nếu năm sản xuất của ô tô quá 5 năm thì cơ quan ngoại giao, viên chức ngoại giao được chuyển nhượng xe cho đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao khác hoặc các đối tượng khác tại Việt Nam với điều kiện xe được cơ quan đăng kiểm xác nhận còn đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu hành.
Trước đây, các xe thuộc diện này không được chuyển nhượng cho cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân tại Việt Nam mà chỉ đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam mới được nhận chuyển nhượng. Khi đối tượng này không có nhu cầu sử dụng xe hoặc khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam thì phải tái xuất khẩu hoặc tiêu hủy xe, không được phép chuyển nhượng xe tại Việt Nam.
Cũng theo quy định mới, xe gắn máy của cơ quan ngoại giao hay viên chức ngoại giao không được phép chuyển nhượng, sang tên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Quyết định 10/2018/QĐ-TTg nêu rõ, người mua xe của các đối tượng nêu trên có trách nhiệm kê khai, nộp các loại thuế, lệ phí theo quy định./.
Kiểm tra xử lý 4 doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất 26 ô tô