Hoàn thiện thể chế hợp tác phát triển kinh tế số giữa Việt Nam-Lào-Campuchia
VOV.VN - "Việt Nam-Lào-Campuchia cần hoàn thiện thể chế hợp tác phát triển kinh tế số" là ý kiến của đại biểu tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số” khai mạc sáng 20/9, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức.
Tham dự có lãnh đạo Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia. Hội thảo diễn ra đến ngày 21/9.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Lào, Campuchia là rất lớn, song kết quả đạt được trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên. Do đó, Việt Nam, Lào, Campuchia cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng, hạ tầng mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia. Đồng thời, các nước cần hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số.
Theo Tiến sĩ Phạm Bích Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế quốc tế - Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng thương mại của các bên thiếu tính ổn định và đồng đều giữa các vùng, các địa phương. 3 nước chưa có chuỗi cung ứng hàng hóa theo ngành quy mô lớn tầm khu vực. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt cao su, điều; sản xuất thức ăn gia súc… tuy có nhiều dự án nhưng chưa có dự án đầu tư quy mô lớn của các bên; thương mại vùng biên cũng đang gặp khó khăn về thể chế, hạ tầng và tình trạng buôn lậu.
Trước hạn chế này, Tiến sĩ Phạm Bích Ngọc đề xuất: nên tổ chức diễn đàn thương mại định kỳ giữa 3 bên, rà soát các hiệp định thương mại song phương để đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đạt hiệu quả hơn.
Tiến sĩ Phạm Bích Ngọc cho biết: "Về cơ cấu thương mại cần thúc đẩy các mặt hàng mà mỗi nước có thế mạnh, ví dụ Lào không có đường biển thì nhập khẩu các sản phẩm hải sản từ Việt Nam. Campuchia có thế mạnh về nông sản thì Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ Campuchia. Việt Nam có khả năng đáp ứng hàng tiêu dùng có chất lượng, mẫu mã, giá cả phù hợp cho Lào, Campuchia".