Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng vào thành công Đề án 1 triệu ha lúa
VOV.VN - Đến năm 2030 vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Mục tiêu này hoàn thành thực hiện được nếu như hạ tầng thủy lợi đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, hạ tầng hỗ trợ vận chuyển, cơ giới hóa đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi, sự liên kết hợp tác giữa người dân, hợp tác xã (HTX) doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết bền vững, gia tăng giá trị cho ngành hàng lúa gạo, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã ban hành kế hoạch nâng cao năng lực cho khoảng 620 HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị và gần 200.000 hộ dân trong vùng thực hiện Đề án 1 triệu ha. Đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải, xử lý phụ phẩm theo hướng kinh tế tuần hoàn, kết nối thị trường, sản xuất kinh doanh lúa gạo gắn với bình đẳng giới, tăng trưởng xanh với sự hỗ trợ kỹ thuật của một số tổ chức quốc tế.
Theo TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong Đề án 1 triệu ha điểm mấu chốt là phải hình thành những HTX đủ mạnh, đủ bản lĩnh để tổ chức dịch vụ mua chung, bán chung và tổ chức sản xuất. Phát triển HTX là một trong những vấn đề ưu tiên và phải tăng số lượng thành viên trong HTX. Hiện nay ở ĐBSCL bình quân mỗi HTX có 80 thành viên, nếu so bình quân trên cả nước là 200 thành viên và so với Thái Lan là 1.500 thành viên.
TS. Trần Minh Hải cho rằng, các HTX của ĐBSCL so với 10 năm trước đã phát triển, có khoảng 52 % các HTX đạt tốt và khá. Tuy nhiên vẫn phải cần tăng số lượng thành viên HTX, phát triển, đội ngũ cán bộ quản lý trong HTX đủ năng lực làm dịch vụ cho doanh nghiệp. Hiện nay, có một số HTX hoạt động hiệu quả như HTX Tân Hưng, tỉnh Kiên Giang; HTX Phú Thạnh ở An Giang và HTX Bình Thành ở Đồng Tháp.
Bên cạnh vấn đề phát triển các thành viên trong HTX, TS. Trần Minh Hải cũng cho rằng, nguồn tín dụng trung, dài hạn cho HTX, doanh nghiệp để đầu tư kho chứa, trả tiền lúa của người dân, xây dựng silo và tạm trữ lúa để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
“Cả ĐBSCL hiện nay chúng ta chưa được 100 cái máy xạ cụm, sạ nhúm. Như vậy thì các ngân hàng cho vay theo khách hàng cá nhân nhưng mà đại diện tổ nông dân hay là hợp tác xã sẽ nhận và cho vay tay ba qua doanh nghiệp để mà cấp máy, đó là một hình thức tín chấp theo chuỗi. Khó khăn của các doanh nghiệp tham gia theo chuỗi lúa gạo này là: thứ nhất là tiền vốn để trả tiền đầu tư theo chuỗi cho nông dân và thứ hai là khi mua lúa về là phải có tiền thanh toán cho người nông dân” - TS. Trần Minh Hải nói.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa tham gia Đề án; tổng hợp nhu cầu đề xuất của các tỉnh và tìm kiếm nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất tại 33 vùng sản xuất tập trung ở 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Đối với lĩnh vực thuỷ lợi cần nguồn lực để nạo vét 1.924 km kênh cấp II trong vùng sản xuất lúa; xây mới, nâng cấp 1.628 km đê bao khép kín kết hợp với lưu thông vận chuyển hàng hoá vật tư nông nghiệp; xây dựng 724 cống hở để tưới, tiêu và xây dựng 43 công trình điều tiết nước.
Ông Đặng Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết, các địa phương cần cụ thể hóa các quy hoạch, kế hoạch để đầu tư một cách hợp lý, đồng bộ với hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL, phù hợp trong Đề án 1 triệu ha.
“Đối với các tỉnh thì nên có các đề án để cụ thể hóa các quy hoạch và kế hoạch cấp tỉnh từ từ một đề án thì mới có thiết kế, có tính toán một cách đầy đủ hơn về kỹ thuật để làm sao đầu tư một cách hợp lý và đồng bộ với hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL. Hiện nay vùng ĐBSCL hình thành khoảng 26 cái tiểu vùng thủy lợi với cái quy mô từ khoảng 30.000 ha đến khoảng gần 500.000 ha. Tuy nhiên, trong đó có khoảng 13 cái hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh để chúng ta có thể đầu tư sớm” - ông Đặng Thanh Lâm nói.
Nhấn mạnh về tổng hợp dữ liệu đầy đủ về đất, dinh dưỡng cây trồng, cơ sở hạ tầng, quản lý rơm rạ và hệ thống canh tác, sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong Đề án 1 triệu ha. PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI cho rằng, các HTX, doanh nghiệp cần xây dựng mô hình, kế hoạch kinh doanh minh bạch, rõ ràng, tạo được sự tin tưởng để tiếp cận nguồn vốn thuận lợi. Cùng với đó là công nghệ, thực hành phù hợp với điều kiện từng vùng chuyên biệt, thúc đẩy ứng dụng số để hỗ trợ kết nối nông dân, doanh nghiệp.
“Nếu mà mình tổng hợp được tất cả các cái cơ sở dữ liệu về đất, về dinh dưỡng, về quản lý rơm rạ, về cơ sở hạ tầng thì nó phải có cái tối ưu đầu tư dựa trên cái cơ sở dữ liệu là rất là quan trọng. Công nghệ phù hợp với từng vùng, từng điểm cụ thể rất là quan trọng cho 1 triệu ha, các ứng dụng số để hỗ trợ cho cái mối liên kết, ví dụ như chuỗi liên kết. Vậy thì mình hỗ trợ kết nối nông dân tới thị trường như thế nào, mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh như thế nào để người ta gửi cho ngân hàng, để ngân hàng có thể tin được, vậy thì nó phải minh bạch, nó phải có cái mối liên kết giữa nông dân, thị trường, các cái dịch vụ xung quanh” - PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nêu ý kiến.
Thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI đã triển khai vào thực tiễn các mô hình ở nhiều địa phương và đã chứng minh kết quả. TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bên cạnh những thuận lợi về triển khai Đề án thì thách thức hiện nay là thiếu máy móc sạ hàng, sạ cụm. Để tháo gỡ điểm nghẽn này cần có những chính sách để các HTX, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn để mua sắm máy móc, đầu tư vùng vào sản xuất để gia tăng giá trị cho ngành hàng lúa gạo.
“Chúng ta phát huy tốt các chính sách sử dụng hiệu quả nguồn vốn chúng ta vay của Ngân hàng Thế giới, nếu chúng ta huy động được vốn đầu tư trung và dài hạn của ngân hàng và chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua bước này. Chúng tôi nghĩ rằng là nếu giao sức mạnh đấy cho HTX, cho các doanh nghiệp đầu tàu để mà cho vay theo chuỗi thì chắc chắn người ta sẽ vượt qua cái bước đột phá này, chúng ta sẽ mở rộng chương trình ra thành một cách thắng lợi lớn và đến lúc mà thị trường đã vào cuộc rồi, cơ chế thị trường đã vận hành thì chắc chắn là lại một thành công mới sẽ xuất hiện ở ĐBSCL như chúng ta đã thành công trong 1 phải 5 giảm trong các hoạt động trước đây” - TS. Đặng Kim Sơn nói.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn từ năm 2024 – 2025 sẽ tập trung vào 200.000 ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Giai đoạn 2 từ năm 2026-2030 sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Ngay trong vụ Thu - Đông 2024 và Đông - Xuân 2024-2025 Đề án sẽ được nhân rộng trên toàn bộ 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính.