Hướng đến năm xuất khẩu bền vững
(VOV) - Bộ Công thương và các cơ quan chức năng sẽ định hướng cụ thể và tích cực, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại.
Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam năm 2012 là lần đầu tiên đạt được kim ngạch xuất khẩu 114 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 18,3% cao hơn so với mức 10% mà Quốc hội giao.
Mục tiêu đặt ra cho năm 2013 là đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 126 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới, song về lâu dài, xuất khẩu cần hướng đến bền vững, đạt giá trị gia tăng cao hơn. Về vấn đề này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
PV: Thưa Thứ trưởng, năm 2012 là năm thành công khi kim ngạch xuất khẩu cả nước lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng chậm. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Chúng ta đang có những bước đi vững chắc, không thể một sớm một chiều có thể giải quyết mọi câu chuyện. Vì thế trong chiến lược xuất nhập khẩu bền vững cho đến 2020 mà Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ định hướng mục tiêu chiến lược cũng như giải pháp của từng thời kỳ, xác định rõ cho từng ngành hàng, lĩnh vực, cơ quan quản lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đồng thời, chiến lược xuất nhập khẩu có định hướng mang tính dài hạn cho từng lĩnh vực về công nghệ, sản xuất, nhân lực…giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả dự án.
Có thể nói, có rất nhiều nội dung cụ thể sẽ phải triển khai bắt đầu từ năm 2013 và trong cả giai đoạn dài để hướng đến xuất khẩu bền vững.
PV: Sau 20 năm nhập siêu, đến năm 2012, lần đầu tiên chúng ta xuất siêu trở lại với giá trị 284 triệu USD. Và chỉ trong tháng 1 năm 2013 chúng ta cũng đã xuất siêu tới 200 triệu USD. Con số này cho thấy điều gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Về hiện tượng Việt Nam xuất siêu trở lại, trước tiên có thể thấy mục tiêu của Chính phủ trong kiểm soát nhập siêu để phục vụ cho những mục tiêu vĩ mô của nền kinh tế đã đạt được.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải nhận thấy là xuất siêu năm 2012 đạt được do nhiều yếu tố nằm ngoài ý muốn chủ quan của chúng ta, đó là sự suy giảm của khu vực sản xuất trong nước trong về nhu cầu nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho lắp ráp. Điều này ảnh hưởng mạnh đến việc sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là phục vụ cho xuất khẩu trong 2013.
PV: Năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, vậy Thứ trưởng có thể dự báo về tình hình xuất khẩu trong năm nay như thế nào?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2013 là năm khó khăn cho nền kinh tế cũng như cho hoạt động xuất khẩu, thương mại do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới. Năm 2012 cũng chứng kiến suy giảm giá xuất khẩu nông sản như gạo, cà phê. Năm 2013 tuy hồi phục nhưng rất hạn chế. Do vậy giá cả vẫn là gánh nặng cho sản phẩm của chúng ta trong duy trì kim ngạch xuất khẩu.
Thứ hai là duy trì mức độ ngày càng tăng của bảo hộ của thị trường thế giới với hình thức ngày càng tinh vi thông qua hàng rào kỹ thuật, đặt ra thách thức cho sản phẩm của chúng ta.
Thứ ba là một số mặt hàng gạo xuất khẩu đạt hơn 7,7 triệu tấn năm 2012, kim ngạch lớn nhất. Nhưng năm 2013 nhiều thị trường khác cũng tham gia xuất khẩu gạo như Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan có lượng hàng rất lớn, đặt gánh nặng cho chúng ta trong việc duy trì tăng trưởng thị phần của chúng ta trên thị trường thế giới.
Một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp và chế biến, hàm lượng về giá trị gia tăng thấp chủ yếu là gia công nên cũng gặp khó khăn vì giá cả đầu vào tăng cao giảm năng lực cạnh tranh.
PV: Mặc dù còn nhiều khó khăn, song năm nay chúng ta vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu cao hơn năm 2012. Vậy cần có những giải pháp như thế nào để đạt được mục tiêu và hướng đến xuất khẩu bền vững hơn, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng tôi cho rằng, sự điều hành của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp là rất quan trọng. Các giải pháp về thương mại, xúc tiến thị trường, hỗ trợ xuất khẩu là một trong nhóm các giải pháp đồng bộ.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng sẽ định hướng cụ thể và tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại, giải pháp về phát triển xuất khẩu. Chúng ta cũng có thể thấy những thuận lợi nhất định, ví dụ sản phẩm của chúng ta đã từng bước thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tích cực hơn.
Sản phẩm công nghiệp chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn 70%; sản phẩm nông sản, về nguyên liệu thô, khai khoáng giảm dần tỷ trọng. Đấy là theo định hướng xuất khẩu bền vững của chúng ta. Sản phẩm gạo, cà phê, thủy sản…của chúng ta cũng đã định vị được vị trí trên thị trường thế giới.
Một số sản phẩm như điện thoại, máy tính, dây cáp điện, sản phẩm điện tử cũng đã bắt đầu khẳng định chỗ đứng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc phát triển thương hiệu quốc gia cũng được quan tâm và có kết quả tích cực. Điều nàycũng mang lại giá trị đóng góp cho xuất khẩu cho doanh nghiệp và quốc gia trong thời gian tới đây./.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!