Khánh Hòa sẵn sàng thu hút nhà đầu tư lớn

VOV.VN - Ngày 2/4, UBND tỉnh Khánh Hoà phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Hội nghị tiến hành công bố các quy hoạch của tỉnh Khánh Hoà được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư đến tỉnh Khánh Hòa.

Cũng tại hội nghị này, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký nhiều biên bản ghi nhớ với các tập đoàn lớn như: Vingroup, Sun Group, FPT, Trung Nam, Becamex IDC, Capital House... để triển khai các dự án nghìn tỷ đến vài chục nghìn tỷ đồng.

Nhiều dự án lớn như: Khu đô thị ven Vịnh Cam Ranh tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 85.293 tỉ đồng; dự án Khu dịch lịch Bãi Cát Thấm tổng vốn 25.000 tỉ đồng; quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí có sân golf, cáp treo Mũi Đôi – Hòn Lớn – Khải Lương tổng vốn 25.000 tỉ đồng; một số dự án an sinh xã hội như: Dự án Nhà ở xã hội Hưng Phú II, Dự án Nhà ở xã hội Cam Nghĩa…

Đánh thức tiềm năng nổi trội

Ông Võ Hoàng Gia Bảo Kha, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn - Thiết kế - Đầu tư - Xây dựng Nguyên Hạnh, một trong các đơn vị được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận chủ trương, trao Giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 cho biết, những năm qua, các doanh nghiệp hết sức khó khăn vì tình hình dịch bệnh kéo dài. Hội nghị lần này là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt các quy hoạch, tìm hiểu cơ hội đầu tư, tiếp cận các chính sách và có sự lựa chọn phù hợp nhất. Doanh nghiệp mong muốn, sau khi các quy hoạch được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc từ đó phát triển các dự án, thu hút thêm nguồn lực đến Khánh Hòa. Dự án Nhà ở xã hội Hưng Phú II có quy mô hơn 1.200 căn hộ với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng do Công ty TNHH Tư vấn - Thiết kế - Đầu tư - Xây dựng Nguyên Hạnh, chủ đầu tư dự án, được trao Giấy chứng nhận đầu tư lần này sẽ triển khai vào quý II năm nay, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng xã hội.

Ông Võ Hoàng Gia Bảo Kha, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn- Thiết kế- Đầu tư - Xây dựng Nguyên Hạnh khẳng định, Công ty sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành dự án vào cuối quý I/2025: “Trong thời gian ngắn, tỉnh Khánh Hòa đã tạo điều kiện rất nhiều cho doanh nghiệp. Từ phường đến các sở, ngành, tạo điều kiện để điều chỉnh chứng nhận đầu tư. Tạo điều kiện, tạo bước đệm để doanh nghiệp làm các thủ tục tiếp theo, đưa dự án hoàn thành vào năm 2025. Với 1.000 căn nhà ở xã hội sẽ giúp cho nhiều hộ dân an cư, lạc nghiệp để sống và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa”.

Tính đến hết tháng 3/2023, tỉnh Khánh Hòa đã thu hút 500 Dự án ngoài ngân sách, vốn đăng ký đầu tư hơn 480.000 tỷ đồng; 119 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với vốn đăng ký 4,39 tỷ Đô la Mỹ. Khánh Hòa là tỉnh đứng thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực thu hút đầu tư là Công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ. Tỉnh Khánh Hòa có 2 Khu Công nghiệp lớn là Khu Công nghiệp Suối Dầu và Ninh Thủy cùng với 9 cụm công nghiệp khác. Khu Kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập  năm 2006 với tổng diện tích khoảng 150.000 ha trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Lợi thế của Khu kinh tế Vân Phong là quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam chạy dọc Khu kinh tế; có vị trí địa lý là cửa ngõ hướng ra Biển Đông đối với vùng Tây Nguyên để phát triển hành lang kinh tế Đông Tây.

Công ty đóng tàu Huyndai Việt Nam là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đầu tư tại thị xã Ninh Hòa, bên bờ vịnh Vân Phong, gắn bó với quá trình phát triển của tỉnh, được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao. Ông Lê Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty đóng tàu Huyndai Việt Nam (HVS) cho biết, Nhà máy đóng tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa với lợi thế nằm bên vịnh Vân Phong, rất thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp đóng tàu, cảng biển. Trong giai đoạn 2019-2022, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng doanh nghiệp được tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ tối đa, tạo việc làm ổn định cho hơn 5 ngàn lao động, mức lương bình quân hơn 12 triệu đồng/tháng.

Theo ông Lê Văn Toàn, hiện nay, doanh nghiệp đã đủ đơn hàng đến hết năm 2024, doanh nghiệp đang cần thêm khoảng 7 ngàn lao động: “Có nhu cầu tuyển dụng của Nhà máy, gửi qua bên các trường nhưng đồng thời cũng gửi qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Sở tương tác xuống các trường trong tỉnh và tỉnh bạn. Thông tin về HVS, nhu cầu như vậy, tình hình việc làm của HVS, tiền lương ổn định, công việc ổn định, các chính sách phúc lợi tốt. Tạo điều kiện cho người lao động các nơi đến làm việc. Đó là sự hỗ trợ rất từ tỉnh cho chúng tôi.”

Trong 10 năm qua, Khu Kinh tế Vân Phong đã “lỡ nhịp” trong việc thu hút các dự án quy mô lớn. Đến ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 451/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khu kinh tế Vân Phong được quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2050 có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.

Lâu nay, vấn đề khó khăn nhất của Khu Kinh tế Vân Phong là hạ tầng. Sau khi Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong, hạ tầng Khu Kinh tế này đang được đầu tư mạnh mẽ để tháo gỡ, tạo tính liên kết vùng. Mới nhất là tuyến đường nối từ Quốc lộ 1A vào bán đảo Hòn Gốm, các tuyến đường cao tốc như Vân Phong - Nha Trang, Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột đang được xây dựng. Vừa qua, trong quy hoạch mới, Khu Kinh tế Vân Phong đã được bổ sung 1 sân bay thuê bao tại khu vực xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh.

Các hạ tầng trọng điểm được đầu tư là điều kiện cần thiết để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Tính đến tháng 3-2023, Khu Kinh tế Vân Phong đã thu hút được 150 dự án đầu tư (122 dự án trong nước và 28 dự án có vốn nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ đô la Mỹ, vốn thực hiện là 2,68 tỷ đô la Mỹ, đạt 65% vốn đăng ký.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết: “Định hình 17 phân khu cơ bản, bổ sung 5 khu công nghiệp mới. Xúc tiến các nhà đầu tư để đầu tư vào quy hoạch cảng trung chuyển, theo quyết định 1579 của Thủ tướng vừa phê duyệt, cảng biển phục vụ cho khách quốc tế. Đến khi có điều kiện phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế, thu hút đầu tư vào khu phi thuế quan.” Ông Hoàng nói.

Vùng đất giàu “lợi thế cạnh tranh”

Tỉnh Khánh Hòa có diện tích 5.199,5 km2, dân số hơn 1,2 triệu người với đường bờ biển dài 385 km. Trên đường bờ biển này có các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh nối tiếp nhau và đều có những giá trị đặc thù với rất nhiều tiềm năng có thể khai thác cho các mục đích kinh tế, du lịch, cảnh quan, nghiên cứu khoa học và quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, vịnh Vân Phong có diện tích lớn khoảng 46.000 ha, độ sâu trung bình từ 20 - 30m, tương đối kín và chắn gió tốt; là địa điểm của Việt Nam có vị trí gần nhất với tuyến hàng hải quốc tế, nằm gần ngã ba các tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. Đây là nơi có vị trí rất thuận lợi cho phát triển cảng biển và các dịch vụ hậu cần cảng, nhất là cảng trung chuyển quốc tế.

Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung phát triển 3 vùng động lực gồm thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Vân Phong và khu vực vịnh Cam Ranh. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 3/2023.  Hiện nay, đã có nhà đầu tư chiến lược đăng ký, cam kết với tỉnh triển khai 4 dự án tại Vân Phong. Đó là cảng hàng không với quy mô 10 ngàn tỷ đồng; Khu du lịch Hòn Lớn- Khải Lương 15 ngàn tỷ đồng; Quần thể đô thị nghỉ dưỡng sinh thái, trung tâm hội nghị Cổ Mã- Tu Bông khoảng 50 ngàn tỷ đồng; Cảng biển quốc tế gắn với đô thị cảng Đầm Môn khoảng 50 ngàn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương quyết tâm biến lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh với tốc độ nhanh nhất: “Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 2/4, tỉnh sẽ ký bản ghi nhớ với các doanh nghiệp đề xuất. Khi quy hoạch của Vân Phong được phê duyệt, chắc chắn các nhà đầu tư chiến lược phải khẩn trương vì Nghị quyết 55 của Quốc hội kết thúc vào tháng 7/2027, chỉ còn mấy năm nữa thôi, nếu chậm thì các cơ chế đặc thù không được hưởng. Vạn Ninh, Ninh Hòa sắp đến sẽ bứt phá rất nhanh, khi cơ sở hạ tầng giao thông đã hoàn chỉnh.”

Quy hoạch bài bản, đầu tư hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng đón nhà đầu tư lớn

Để thu hút được các dự án đầu tư lớn, các nhà đầu tư chiến lược, tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục hoàn thiện các nền tảng hiện có, dựa trên tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Thứ nhất, tỉnh Khánh Hòa tập trung hoàn thành các quy hoạch quan trọng của tỉnh gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Đồng thời, hoàn thiện các quy hoạch phân khu phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các Quy hoạch chung được duyệt làm cơ sở để kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện các dự án.

Thứ hai, Khánh Hòa tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh PCI trong đó một số giải pháp cụ thể mang tính chất đột phá. Thứ ba, tỉnh tăng cường các cơ chế tiếp xúc và đối thoại doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp và trên các nền tảng số, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh. Thứ tư, là đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mang tính kết nối chiến lược, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thứ năm, tiếp tục kêu gọi các dự án cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội chất lượng cao như các Bệnh viện quốc tế, mở rộng mạng lưới phân hiệu các Trường Đại học lớn, các Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực về khoa học công nghệ và hình thành hệ sinh thái về khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, cung cấp các giải pháp công nghệ trong sản xuất cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhà đầu tư.

Thứ sáu, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý lãnh đạo, nhất là đề cao vai trò người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chiến lược đặt ra đối với từng ngành, lĩnh vực kết hợp phát huy vai trò của công cuộc chuyển đổi số quốc gia đưa vào các nền tảng phục vụ doanh nghiệp và công tác quản lý. Thứ bảy, Khánh Hòa xác định tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tiến độ thực hiện các dự án nhằm sớm xử lý các dự án chậm tiến độ, không chấp hành các quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết để thực hiện Nghị quyết 09 Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa với 11 cơ chế, chính sách, trong đó có 7 cơ chế chính sách tương đồng với các địa phương khác và 4 cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh. Điều này đã tạo ra nhiều thời cơ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa, là những nền móng cơ bản để tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai./.

 

Nghị quyết 55 của Quốc hội đã định hình nhiều không gian phát triển mới, như: Bắc và Nam Khu Kinh tế Vân Phong; xây dựng Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế… Từ đó, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế riêng có của Khánh Hòa; tạo cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cho tỉnh Khánh Hòa thông qua cơ chế phân cấp, ủy quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Nghị quyết 55 cũng có cơ chế bổ sung nguồn vốn đầu tư công của tỉnh; được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số; hỗ trợ việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện các kết cấu hạ tầng quan trọng, như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay charter tại Khu Kinh tế Vân Phong… tạo nền tảng phát triển trong dài hạn cũng như tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, hướng tới mục tiêu tới năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tính cách hiền hòa là “điểm vàng” để người Khánh Hòa vươn xa
Tính cách hiền hòa là “điểm vàng” để người Khánh Hòa vươn xa

VOV.VN - “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương non cao, biển rộng người thương đi về” 2 câu thơ mộc mạc của thi sĩ Quách Tấn nói về Khánh Hòa, vùng đất đang kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển. “Hiền hòa” là đặc trưng nổi bật của chủ nhân vùng đất này, hiền hòa đã thu hút những “người thương” khắp mọi miền hội tụ.

Tính cách hiền hòa là “điểm vàng” để người Khánh Hòa vươn xa

Tính cách hiền hòa là “điểm vàng” để người Khánh Hòa vươn xa

VOV.VN - “Khánh Hòa là xứ Trầm Hương non cao, biển rộng người thương đi về” 2 câu thơ mộc mạc của thi sĩ Quách Tấn nói về Khánh Hòa, vùng đất đang kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển. “Hiền hòa” là đặc trưng nổi bật của chủ nhân vùng đất này, hiền hòa đã thu hút những “người thương” khắp mọi miền hội tụ.

Hội thảo Khoa học "Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển"
Hội thảo Khoa học "Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển"

VOV.VN -  Sáng nay (31/3), tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo Khoa học "Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển" (1653-2023) với sự tham dự của 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học. Các tham luận tại Hội thảo đều nhận định, Khánh Hòa là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều lợi thế phát triển.

Hội thảo Khoa học "Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển"

Hội thảo Khoa học "Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển"

VOV.VN -  Sáng nay (31/3), tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo Khoa học "Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển" (1653-2023) với sự tham dự của 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học. Các tham luận tại Hội thảo đều nhận định, Khánh Hòa là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều lợi thế phát triển.