Khát vọng phát triển đất nước cần đội ngũ doanh nhân tương xứng
VOV.VN - Khi đất nước muốn trở thành quốc gia phát triển, chính đội ngũ doanh nhân phải là người tiên phong làm gương cho xã hội…
Với bản lĩnh kiên cường, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và đặc biệt là ý chí tinh thần vượt khó, cộng đồng DN Việt Nam thời gian qua đã có sự đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước, cũng như góp phần vào chiến thắng đại dịch Covid-19. Để nâng tầm đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ chiến lược và cấp bách đó là xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, phóng viên Đài TNVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nội dung này.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh phải tập trung và đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế, hoạt động sản xuất của DN hậu Covid-19?
Ông Phạm Tấn Công: Nói về bản lĩnh doanh nhân, DN Việt Nam đó là tố chất của bản lĩnh người Việt Nam, rất kiên cường, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và đặc biệt là ý chí tinh thần vượt khó.
Từ xưa đến nay, lịch sử dân tộc qua các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước khó mấy chúng ta cũng làm được, hiện nay trong công cuộc xây dựng kinh tế dù có khó khăn, song các DN đang cố gắng vượt qua. Hai năm vừa qua, chúng ta đã vượt qua được đại dịch Covid-19 với muôn vàn khó khăn, thử thách, trong giai đoạn hội nhập và phục hồi sau đại dịch, các DN đang vươn lên rất mạnh mẽ. Khi các chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy trong dịch Covid-19, nhiều DN đã chớp cơ hội tạo chỗ đứng cho mình trong vị trí này.
Hiện Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là của xuất. Cùng với đó, quý III vừa qua, GDP của Việt Nam tăng trưởng vô cùng ấn tượng trên 13%, tốc độ tăng trưởng này khó có nước nào trên thế giới đạt được. Những kết quả này đều là sự nỗ lực của các DN, của người lao động trong các các DN đem lại, đồng thời cũng thể hiện sự sáng tạo, sự nhanh nhạy của các DN.
PV: Trước những biến động của tình hình lạm phát, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển đều tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy… ông nhận xét như thế nào về sự ứng biến, những hy sinh của các doanh nhân Việt Nam nhằm ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống của người lao động?
Ông Phạm Tấn Công: Quá trình phục hồi sau dịch Covid -19 đặc biệt là khắc phục những đứt gãy trong chuỗi cung ứng ra nước ngoài cũng đang tạo ra cơ hội cho Việt Nam. Đối với những đứt gãy trong nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ kịp thời có chiến lược thay đổi từ zero -covid sang thích ứng linh hoạt nên bảo toàn được nguồn lực của các DN nên sự đứt gãy ít hơn so với các nước.
Hiện nay, chúng ta đang chủ động phục hồi rất tốt các đứt gãy. Đặc biệt, các DN Việt Nam rất nhanh nhạy và không ngồi đợi các hỗ trợ của Nhà nước; không ngồi đợi các DN nước ngoài đến đầu tư, chính các DN Việt Nam tự ra nước ngoài đầu tư; thậm chí mua lại các DN tại nước ngoài để mở rộng thị trường, tạo chỗ đứng cho mình tại các nước Mỹ, Nhật, Pháp, Đức đều đã xuất hiện các DN Việt Nam. Đặc biệt, đã xuất hiện những DN Việt Nam mua lại các DN FDI đầu tư tại Việt Nam nhằm đảm bảo việc làm và ổn định sản xuất trong nước.
Cùng với đó, khi đất nước cần vaccine, trong lúc các DN đều gặp khó khăn, song nhiều DN sẵn sàng dành một nguồn lực không nhỏ để đóng góp mua vaccine; khi đất nước cần hàng hóa phục vục công tác chống dịch, các DN sẵn sàng dừng sản xuất chính lại, để làm sản phẩm phục vụ cho công tác này.
PV: Xin ông cho biết cộng đồng doanh nhân Việt Nam cần những hỗ trợ gì từ cơ quan quản lý nhà nước, để làm sức bật cho quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian tới?
Ông Phạm Tấn Công: Trong giai đoạn sắp tới còn rất nhiều cơ hội sang cũng ẩn chứa nhiều thách thức. Trong ngắn hạn, mục tiêu phát triển của đất nước trong năm nay quý II và quý III mới phục hồi mạnh mẽ, còn quý I vẫn bị ảnh hưởng nặng. Trong dài hạn hơn, mục tiêu của nhiệm kỳ này đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2030 trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập trung bình; mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao đòi hỏi DN cần phải nỗ lực rất nhiều.
Song song đó, nhà nước phải quan tâm, tạo điều kiện cho DN phát triển, thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, khi đó mới kỳ vọng đạt được những khát vọng phát triển, trong đó cần tạo điều kiện đảm bảo về nguồn vốn kinh doanh.
Vừa rồi Chính phủ có chính sách hỗ trợ về lãi suất vay nhưng triển khai rất chậm, vì thế bây giờ cần kịp thời khắc phục; tiếp tục khống chế lạm phát, đảm bảo tỷ giá cho đồng tiền. Tiếp tục đưa ra các quyết sách cũng như phê duyệt các dự án cần có ý kiến của các cơ quan nhà nước - cần đảm bảo tốc độ tương ứng để DN nắm bắt cơ hội, còn nếu không sẽ mất cơ hội. Cùng với đó là tiếp tục hỗ trợ về nguồn nhân lực, bởi nguồn nhân lực sau Covid-19 đang là vấn đề rất lớn đối với các DN là lực cản cho sự phục hồi phát triển.
PV: Với vai trò là cơ quan đại diện tiếng nói cho cộng đồng DN Việt Nam, VCCI sẽ có những chương trình, hoạt động như thế nào để nâng tầm đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
Ông Phạm Tấn Công: Với tầm nhìn đòi hỏi yêu cầu và khát vọng phát triển của đất nước và dân tộc, VCCI sẽ phát triển đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam một cách tương xứng, bởi không ai khác chính đội ngũ doanh nhân là người tổ chức lực lượng sản xuất để làm ra sản phẩm cho xã hội. Khi đất nước muốn trở thành quốc gia phát triển, chính đội ngũ doanh nhân phải là người tiên phong làm gương cho xã hội.
Tại Đại hội 7 của VCCI cũng đã xác định, nhiệm vụ chiến lược và cấp bách hiện nay, đó là xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Vừa qua, VCCI đã công bố 6 chuẩn mực quy tắc đạo đức doanh nhân, ngay trong việc bình xét trao danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, VCCI đã lấy các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa kinh doanh để xem xét, đánh giá những doanh nhân tiêu biểu.
Như vậy, để đảm bảo các doanh nhân Việt Nam phát triển theo định hướng vừa có đức, có tài, trong đó lấy đức là gốc chính là những nguyên tắc lớn để định hình xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của Bộ Chính trị và Đại hội XIII của Đảng đã ra. Do đó, VCCI sẽ nhất quán đi theo con đường này trong các chương trình sắp tới để tiếp tục thúc đẩy, động viên, khuyến khích doanh nhân, DN đẩy mạnh kinh doanh, phát triển bền vững. Lấy đạo đức, văn hóa, kinh doanh làm gốc, lấy khoa học công nghệ hiện đại là năng lực cạnh tranh, từ đó vừa khẳng định mình, vừa góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.