Khi người cao tuổi làm kinh tế
VOV.VN - TP.HCM hiện có 16.303 người cao tuổi là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho gần 125.000 lao động.
TP.HCM có hơn 600.000 hội viên người cao tuổi, trong đó một bộ phận không nhỏ tham gia làm kinh tế. Bằng trí tuệ, kinh nghiệm và bản lĩnh, nhiều người đã trở thành chủ cơ sở, chủ DN, sản xuất kinh doanh hiệu quả, áp dụng thành công khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
Tuổi già sống đẹp
Tham gia làm kinh tế ở rất nhiều ngành nghề từ lĩnh vực nông nghiệp cho đến thương mại dịch vụ, công nghiệp..., những người cao tuổi được xem là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển của TP.HCM, đã và đang góp phần làm ra nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài.
Điển hình như bà Phạm Thị Ngọc Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa và Cao su Ngọc Lan tại quận Tân Phú. Tuổi đã ngoài "thất thập" nhưng người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán này vẫn chèo lái DN với 55 lao động, cùng nhau vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Hiện doanh thu bình quân hàng năm của công ty khoảng 26 tỷ đồng. Bà Lan luôn tâm niệm “còn sức khỏe còn phải luôn cố gắng”.
“Tuy năm nay 72 tuổi rồi nhưng mình luôn hỗ trợ cho con kinh doanh. Mình nghĩ là nếu muốn công ty vững vàng hơn phải có gia đình hỗ trợ, thứ hai là ổn định công việc cho công nhân. Là Tổng giám đốc, tôi thường xuyên gặp công nhân và động viên các con phải làm tốt, công ty làm ăn được mới có công việc, cố gắng ổn định cuộc sống cho công nhân và đó là giúp ích cho xã hội. Mình còn sức khỏe thì cố gắng, thứ nhất có lợi cho gia đình, thứ hai là cho công nhân và thứ ba là cho xã hội”, bà Lan chia sẻ.
Điểm chung của các doanh nhân, chủ cơ sở là người cao tuổi là tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, tham gia làm kinh tế để nâng cao đời sống gia đình, bản thân, đóng góp cho xã hội. Các ông, bà đã thể hiện tính năng động, sáng tạo trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; dám nghĩ, dám làm, có sáng kiến, ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Họ cũng luôn quan tâm đến người lao động không chỉ vật chất, mà cả tinh thần, nâng cao đời sống của công nhân.
Ông Phan Xuân Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Hòn Phú ở quận Gò Vấp chia sẻ, rất nhiều gian nan với người cao tuổi tham gia sản xuất kinh doanh. Bản thân ông Nghĩa là cựu chiến binh, trở về từ chiến trường, không có kinh nghiệm trong thương trường. Nhưng với ý chí bản lĩnh của một người lính, ông vừa làm vừa học, tự mày mò nghiên cứu, trau dồi kiến thức. Hiện nay, DN của ông chủ yếu kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ. Trong những thời điểm rất khó khăn sau dịch bệnh, ông vẫn tìm mọi cách để duy trì hoạt động của công ty, đảm bảo cho nhân viên có lương bổng và giúp đỡ được cho những người nghèo.
“Nỗ lực của bản thân có thể đưa đến những kết quả tốt đẹp. Những người cao tuổi không tự ti, không giấu dốt, phải học hỏi và phấn đấu, đóng góp trước hết là cho gia đình, cho xã hội và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những người lính trở về trong hoàn cảnh thương tật. Tôi cho đó là niềm hạnh phúc và niềm đam mê vẫn luôn cháy bỏng trong tôi, dù năm nay ở tuổi 70”, ông Nghĩa hào hứng nói.
Nêu gương sáng cho con cháu
Phần lớn những doanh nhân người cao tuổi như bà Lan, ông Nghĩa… ngoài việc làm giàu cho chính mình, họ cũng sẵn sàng hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, phổ biến những kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật cho người dân có nhu cầu. Các cơ sở sản xuất, DN của người cao tuổi rất tích cực tham gia công tác xã hội, như đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa, khuyến học khuyến tài, ủng hộ làm đường, mở hẻm trong khu dân cư, với trị giá ước tính trong 5 năm qua trên 80 tỷ đồng.
Đánh giá cao sự cống hiến của người cao tuổi, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM cho biết, hiện nay nhiều người cao tuổi là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có số vốn đầu tư lớn, có nhiều lao động đã và đang chuyển dần sang cho con, cháu mình làm chủ; hoặc bỏ vốn để con, cháu tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Những doanh nhân người cao tuổi cũng luôn gương mẫu đi đầu, động viên gia đình, dòng họ, cộng đồng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
“Dù các doanh nhân đã lớn tuổi, có con cháu kế nghiệp nhưng vẫn truyền đạt kinh nghiệm để nâng chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nên chuyện làm kinh tế của người cao tuổi là ước vọng, hoài bão và niềm vui của người cao tuổi. Mong muốn những điều hữu ích truyền lại cho con cháu, tìm những truyền nhân cho mình để giữ cái nghề, người cao tuổi ở TP.HCM đang tiếp tục cống hiến cho đời, cho xã hội, đó là điều rất đáng quý”, ông Lập tự hào cho biết.
Không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” còn thể hiện tinh thần, ý chí, giá trị nhân văn tốt đẹp, qua đó phát huy vai trò, vị thế của người cao tuổi trong giáo dục con cháu tính tự lập, cần cù lao động, làm giàu chính đáng. Lãnh đạo TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người cao tuổi, cơ sở, DN của họ tham gia những hình thức hợp tác, liên kết hình thành những chuỗi sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trưởng trong nước và xuất khẩu, đầu tư vào nông nghiệp đô thị hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ chất lượng cao.
Với những cống hiến của mình trong suốt thời gian qua, những người cao tuổi ở TP.HCM xứng đáng với lời khen ngợi, động viên của Bác Hồ dành cho người cao tuổi: “Tuổi già nhưng trí không già, góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.