Khởi nghiệp bằng trồng rau quả công nghệ cao, nông dân thu cả chục tỷ đồng
VOV.VN - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Nguyễn Thị Trâm ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã tạo ra doanh thu 18 tỷ đồng/năm nhờ lựa chọn các loại rau, quả có giá trị kinh tế cao để trồng trong nhà lưới và trái vụ.
Chị Nguyễn Thị Trâm ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023. Năm 2021, chị Trâm là một trong 57 thanh niên tiêu biểu của cả nước nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng. Năm 2022, chị được bình chọn là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng rau công nghệ cao, chị Trâm đã "lao như thiêu thân" vào công việc sớm tối của mình với nhiều sóng gió, biến cố từ dịch bệnh, thị trường để "chạm tay" tới sự thành công như ngày hôm nay.
Đưa giống rau, quả mới về làng
Trong khi nhiều bạn trẻ rời quê ra phố tìm cơ hội việc làm, chị Nguyễn Thị Trâm, sinh năm 1990, ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh lại từ bỏ công việc ổn định để "về làng" khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao. Đến nay, chị Trâm đã xây dựng được 1,3 ha nhà màng, 0,7 ha nhà lưới trong tổng diện tích 5 ha ở Bắc Ninh và mở rộng 10 ha chuyên trồng các loại rau trái vụ có giá trị kinh tế cao tại Hà Giang.
Huyện Lương Tài là vùng đất màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Thế nhưng, đa số nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao. Từng chứng kiến bố mẹ chồng nhiều vụ phải "khóc ở ngoài ruộng" do có năm cà rốt đạt năng suất cao, nhưng thương lái không mua hết.
Từ đó, chị Trâm nảy ý định tìm một cây trồng khác có giá trị cao, đầu ra ổn định để bố mẹ chồng đỡ vất vả. Tìm hiểu trên mạng, chị Trâm nhận thấy cây măng tây có giá trị kinh tế cao, rất ít người trồng.
"Hồi đó, em may mắn có bác ở bên Úc – nơi họ trồng rất nhiều măng tây. Nhờ đặt mua giống thì bác ấy bảo giống này nhập từ Mỹ, lúc đó em lại liên hệ với công ty ở Mỹ để nhập một vài giống về trồng thử. Trong các giống trồng thử có một giống măng tây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở miền Bắc" – chị Trâm cho biết.
Từ việc trồng thử nghiệm thành công trên diện tích 5 sào ruộng của bố mẹ chồng, chị Trâm đã mở rộng mô hình, tiến hành ươm giống, bán cho bà con nông dân quanh vùng, rồi cam kết thu mua sản phẩm để đem đi tiêu thụ. Ngay vụ thu hoạch măng tây đầu tiên đã trúng lớn, sản lượng mỗi ngày vào khoảng 30-40kg.
"Sản lượng 30-40kg măng tây lúc đó đã là khủng hoảng đối với hai vợ chồng. Vì là loại rau mới, bán với giá 80.000 đồng/kg nên ban đầu họ chỉ đặt vài cân nhưng mình vẫn giao đến tận nơi, có khi phải bù lỗ" – chị Trâm chia sẻ.
Theo chị Trâm, để giao hết hàng, cứ buổi sáng và buổi chiều mỗi ngày chị lại tất bật đi xe máy, chở măng tây xuống Hải Dương gửi xe khách mang xuống Hải Phòng giao cho khách mua. Giữa trưa nắng chị lại phóng xe xuống huyện Gia Bình để gửi xe khách mang măng tây ra Hà Nội.
Chị Trâm kể, trong những lần đi giao hàng có không ít kỷ niệm đáng nhớ đối với chị. Một lần chị Trâm mượn xe Honda Cub 81 của bố mẹ chồng để đi giao hàng, đến giữa đường xe máy bị thủng săm, phải dắt bộ 2km mới đến quán vá xe.
Khi thợ sửa xe xong thì đã muộn giờ xe khách, hàng không gửi được, mấy cân măng tây đem đi giữa trời nắng nóng bị hỏng phải vứt bỏ. Hay có lần chị Trâm đang phóng đuổi theo xe khách để gửi măng tây, xe máy lại không nổ, cứ vậy dắt bộ ngoài đường, hàng thì không gửi được, chị vừa đi vừa khóc.
Dù vất vả như vậy, nhưng việc trồng và tiêu thụ măng tây đã đem lại hiệu quả cao cho gia đình. Năm 2014, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong do chị làm Giám đốc được thành lập với mục tiêu ban đầu là cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm măng tây xanh cho các trang trại.
Đưa rau sạch vào các siêu thị lớn miền Bắc
Năm 2015, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong là đơn vị đầu tiên của huyện Lương Tài được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm măng tây xanh và cà rốt cũng như Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng trong năm này, công ty đạt đủ điều kiện cấp hàng vào chuỗi siêu thị Fivimart – hệ thống bán lẻ lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.
Sau thời gian trồng măng tây có lợi nhuận, chị Trâm mong muốn mở rộng sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn khác để cung cấp cho hệ thống siêu thị và đưa ra thị trường. Năm 2016, diện tích đất công ích của xã cho các hộ dân thuê hết hạn. Do đất ở đó xấu trồng cây không có năng suất nên các hộ dân bỏ hoang nhiều. Tận dụng cơ hội này, chị Trâm đã mạnh dạn thuê 5ha đất công ích của xã để cải tạo, đầu tư trồng các loại rau màu. Hành trình khai hoang khu đất thuê rất vất vả. Chị Trâm đã phải nhờ người thân từ Nam Định đến trợ giúp và tạo dựng thành hình hài khu trang trại trồng rau an toàn.
Theo chị Trâm, tại thời điểm năm 2017-2018, các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn còn ít nên công việc làm ăn thuận lợi, thu được nhiều lãi. Để tăng thêm thu nhập, ban đầu, công ty tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày dễ tiêu thụ như: rau xà lách, rau dền, rau muống, mồng tơi, mướp và các loại củ.
Những ngày đó, vợ chồng chị phải lao vào làm việc sớm tối, thậm chí khi có đơn hàng gấp chị phải ngồi tranh thủ đóng hàng buổi trưa, tối – thời điểm công nhân nghỉ ngời, rồi tầm 2-3 giờ sáng hai vợ chồng lại đi giao hàng cho siêu thị. Những vất vả đó đã được đền đáp, do làm ăn hiệu quả nên vợ chồng chị Trâm đã mua được đất, đổi được xe.
"Đáng nhớ nhất là những chuyến đi giao hàng đêm ngủ vạ vật ở ngoài đường hoặc có hôm hai vợ chồng đi giao hàng, đóng hàng xong không kịp ăn uống; trên đường đi đói quá phải tạt vào lề đường mua bánh mì 5.000 đồng, chai nước để ăn, uống tạm" – chị Trâm kể lại.
Tuy nhiên, đang làm ăn thuận lợi thì việc kinh doanh của đối tác là chuỗi siêu thị Fivimart gặp khó khăn, thua lỗ. Giao hàng cho siêu thị nhưng bị chậm thanh toán 2-3 ngày, hai vợ chồng chị Trâm lại cuống cuồng, mất ăn mất ngủ để xoay sở vốn. Hơn nữa, chuỗi siêu thị Fivimart bị phá sản và nợ công ty hơn 1 tỷ đồng tiền rau và cà rốt khiến gia đình chị Trâm lâm cảnh lo âu rất lớn bởi gia đình đã thế chấp ngôi nhà để vay tiền vốn từ ngân hàng.
Tuy nhiên, khi Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup, mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart, lúc đó gia đình chị mới nhận được tiền và nỗi lo của cả gia đình đã được giải tỏa.
Đầu tư lớn trồng rau công nghệ cao
Khi vượt qua cú sốt lớn trong kinh doanh, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Trâm lại như được tiếp thêm nghị lực để tiếp tục tìm tòi đưa những rau, quả giống mới vào sản xuất và mở rộng khách hàng tiêu thụ để có thể đưa các sản phẩm nông sản an toàn tiếp cận với nhiều người hơn.
Trong những năm gần đây, do thời tiết khí hậu có những diễn biến bất thường, nắng mưa nắng kéo dài khiến nhiều vụ rau gieo xuống bị thất thu. Để hạn chế những tác động bất lợi này, năm 2019, chị Trâm đã đầu tư xây dựng 1,3ha nhà màng, 0,7ha nhà kính ở Bắc Ninh.
Ngoài ra, chị Trâm còn áp dụng hệ thống tưới tự động trên diện tích trồng rau ở Bắc Ninh và Hà Giang, giúp các loại rau củ quả phát triển đồng đều cho năng suất cây trồng tăng 30%, giảm nhân công lao động thủ công sản xuất trên ruộng đồng.
Với việc đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, công ty có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, nổi bật nhất là “Dưa leo baby” - mặt hàng luôn trong tình trạng thiếu hàng, nhờ chất lượng mẫu mã đẹp.
"Chúng tôi dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa bằng bộ điều khiển hệ thống máy tính chủ. Với công nghệ này, người quản lý sẽ cài đặt hẹn giờ để nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Cùng với đó, phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển.
Trung bình mỗi ngày, chúng tôi cài đặt hẹn tưới nhỏ giọt 8 lần/ngày, tùy từng loại cây trồng mà mỗi lần tưới từ 3-4 phút. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc" - chị Trâm cho biết.
Theo chị Trâm, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn. Riêng với 1,3ha nhà màng, chị đã phải chi phí hơn 4 tỷ đồng. Chính vì thế, việc lựa chọn cây trồng là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công của mô hình. Trong nhà màng, chị Trâm lựa chọn trồng dưa leo baby, dưa lưới, cà chua, ớt chuông– những loại cây có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật, trồng rau muốn, xà lách… thủy canh. Những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra sản phẩm có mẫu mã đồng đều, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đầu năm 2021, chị Trâm đã mở rộng vùng sản xuất 10ha tại huyện miền núi Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chuyên trồng các loại rau trái vụ như bắp cải, cải thảo… mang lại giá trị cao, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Hiện toàn bộ sản phẩm của công ty đều được trồng theo đơn đặt hàng. Vì thế, doanh thu công ty tăng trưởng vượt bậc, từ 13 tỷ/năm 2020 lên 18 tỷ đồng năm 2021.
Giải thích về việc diện tích, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận thu về chưa tăng tương xứng, chị Trâm cho rằng, trong 2 năm vừa qua ngành nông nghiệp chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19. Bắc Ninh lại là tâm điểm của dịch nên có thời điểm rau, quả không tiêu thụ được, phải nhờ các cấp, các ngành giải cứu, thiệt hại không hề nhỏ.
Trong đợt dịch Covid-19 cuối năm 2021 dẫn tới hơn 6.000 xe tắc biên trên cửa khẩu, mặc dù có rau trái vụ trồng trên Hà Giang, nhưng chị Trâm không thuê được xe chở rau vào Long An tiêu thụ, bị hỏng mất mấy chục tấn hàng.
"Khách gọi liên tục, rau có ở trên ruộng nhưng không thuê nổi contener lạnh để chở rau đi giao cho khách hàng. Không chỉ có vậy, cước xe cũng tăng từ 17 triệu đồng lên 35 triệu đồng, một chuyến hàng chở rau 14 tấn mà chi phí vận tải tăng lên 18 triệu đồng thì lợi nhuận thu về không còn bao nhiêu" – chị Trâm chia sẻ.
Hiện tại, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong có 4,5ha đang làm thủ tục thuê đất lâu dài 50 năm. Sau khi thuê đất xong, chị dự định sẽ xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến một số sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Đây cũng là vấn đề chị quan tâm, đặt câu hỏi tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân diễn ra ngày 29/5 tại Sơn La về chính sách hỗ trợ đối với các dự án chế biến nông sản dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
"Mỗi năm huyện Lương Tài có trên 1.000ha trồng cà rốt và đây là vựa cà rốt lớn ở miền Bắc. Tuy nhiên, khi vào chính vụ thu hoạch, giá bán cà rốt khá thấp, nhất là hàng loại 2. "Chúng tôi muốn tận dụng hàng loại 2 để chế biến thành nước ép cũng như cà rốt sấy mang đặc trưng của huyện Lương Tài nói riêng và tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới" – chị Trâm khẳng định.
Theo ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Nguyễn Thị Trâm là một lớp nông dân đại diện cho thế hệ trẻ có tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đặc biệt là đại diện cho lớp nông dân thời đại mới, mạnh dạn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào trong quá trình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
"Sự đóng góp của mô hình đã góp phần thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện cũng như tỉnh phát triển. Ngoài việc làm giàu cho gia đình, những mô hình, phương pháp sản xuất của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Nguyễn Thị Trâm đã có tác động lan tỏa, khích lệ, động viên các hội viên nông dân khác học tập và làm theo, nhất là trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào trong quá trình canh tác, sản xuất" – ông Khang cho biết./.