Khơi thông nguồn lực, tạo cú hích cho vựa lúa miền Tây
VOV.VN - Với cách tiếp cận mới, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” là đề án đầu tiên trên thế giới sản xuất lúa gạo giảm phát thải, có ý nghĩa với người dân vùng ĐBSCL, ngành hàng lúa gạo
Với cách tiếp cận mới, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” là đề án đầu tiên trên thế giới sản xuất lúa gạo giảm phát thải, có ý nghĩa với người dân vùng ĐBSCL, ngành hàng lúa gạo và hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Trước khi nhân rộng, Đề án đã được triển khai thí điểm tại 5 địa phương và đã chứng minh hiệu quả. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực đầu tư không theo kịp tiến độ triển khai của Đề án. Để tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn tín dụng, chương trình cho vay theo Đề án 1 triệu ha được chia làm 2 giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn của tất cả các khâu từ sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo trong đề án.
Theo ông Tiêu Ngọc Lợi, Giám đốc HTX Nhân Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ: "Thứ nhất là cơ giới hóa nhưng chúng ta vẫn còn bị vướng là quy hoạch đất chưa đạt. Chỉ có những đồng quy hoạch đúng theo chuẩn thì đưa cơ giới vào năng suất lúa mới đạt".
Còn với ông Nguyễn Văn Ẩn, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp: "Mô hình này cần phải có máy móc rồi điều kiện làm sao cho hiệu quả. Khi có hiệu quả rồi nông dân thấy được thì đương nhiên họ sẽ làm, chứ không cần phải vận động. Trước mắt cho người thấy hiệu quả, ngoài hiệu quả về lợi nhuận, kinh tế thì tôi vẫn nói về ảnh hưởng môi trường, khí hậu".
Đây là những chia sẻ của ông Tiêu Ngọc Lợi, Giám đốc HTX Nhân Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ và ông Nguyễn Văn Ẩn, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp khi biết HTX được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc, thu mua lúa, tạm trữ lúa gạo để phục vụ xuất khẩu. Để tiếp cận được nguồn tín dụng các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có tên trong danh sách tham gia liên kết do Bộ NN&PTNT công bố sẽ được tiếp cận nguồn tín dụng vay ưu đãi.
Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, trong giai đoạn 2025-2027, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn vốn đầu tư công, cần huy động khoảng 20.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD) từ vốn đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, trong đó cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại để mua sắm vật tư, thu mua lúa gạo, vốn đầu tư cho máy cơ giới, trang thiết bị bảo quản, chế biến, xây dựng hệ thống kho và logistics trong quá trình triển khai đề án.
Chương trình cho vay theo Đề án 1 triệu ha được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng với nguồn tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn vốn ngắn, trung và dài hạn của các hộ dân, HTX, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: "Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng để góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng; cũng như tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trọng triển khai chương trình cho vay ưu đãi 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Đồng hành cùng đề án, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và 12 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL triển khai chương trình cho vay ưu đãi theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Nguồn tín dụng được “khơi thông” giúp cho các HTX mạnh dạn mua sắm thiết bị cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất. Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay nguồn lực của các HTX hạn chế, không thể tự mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ nhu cầu cơ giới hóa. Chương trình tín dụng cho vay theo đề án sẽ giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn, “mạnh dạn” đầu tư cơ giới hóa phục vụ sản xuất, đây cũng là yêu cầu bắt buộc trong Đề án 1 triệu ha.
"HTX hoặc là người nông dân thì số vốn không nhiều cũng đang chờ nguồn hỗ trợ theo nhiều cách. HTX chúng tôi sẽ sắm máy móc để phục vụ. Nếu mô hình này đạt hiệu quả cao thì tôi sẽ tiếp tục đầu tư" - ông Khải chia sẻ.
Theo thống kê vùng ĐBSCL có khoảng 1.300 hợp tác xã nông nghiệp, quy mô sản xuất từ 70 - 100ha/1 hợp tác xã. Tuy nhiên, nguồn vốn bình quân của mỗi HTX trung bình từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng, với nguồn vốn này không thể đầu tư vào cơ giới hóa, thu mua lúa gạo hay mở rộng sản xuất, đây là điểm nghẽn về tài chính của các HTX ở ĐBSCL.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã giao cho Hiệp hội ngành hàng lúa gạo tổ chức chuỗi liên kết trong Đề án 1 triệu ha, hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp để cung cấp phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa, thu mua và tiêu thụ lúa gạo.
Theo ông Tùng, hệ sinh thái doanh nghiệp sẽ cùng với hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu, điều này sẽ giảm áp lực về tài chính cho các bên. Tuy nhiên, để tham gia vào chuỗi liên kết cần có hợp đồng chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra để đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng định hướng xuất khẩu, như vậy liên kết mới chặt chẽ, hiệu quả và xây dựng được thương hiệu lúa gạo.
"Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho hợp tác xã thích ứng với biến đổi khí hậu, tức là trong đề án có thể có những vùng khó khăn. Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng có một chương trình lâu dài, nâng cao năng lực quản trị cho hợp tác xã để có thể nhận biết được kế hoạch sản xuất, hay nhận biết được các thị trường, đáp ứng được nhu cầu khác nhau, trong đó có nhu cầu về vay vốn ngân hàng" - ông Tùng bày tỏ.
Trong giai đoạn thí điểm đến cuối năm 2025, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) sẽ chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng. Nguồn vốn này sẽ đáp ứng nhu cầu của các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu lúa gạo.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank nhấn mạnh, tất cả các thành phần tham gia đề án từ hộ gia đình, cá nhân trồng lúa, doanh nghiệp, đơn vị cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào, chế biến xuất khẩu đều được vay theo chương trình ưu đãi. Thời hạn cho vay đáp ứng nhu cầu nguồn vốn để mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ đề án.
"Hiện nay, chúng ta tập trung nhiều vào hộ nông dân, triển khai khép kín đến doanh nghiệp, các HTX tham gia vào chuỗi liên kết để đạt được hiệu quả triển khai chương trình được tốt hơn và chương trình 1 triệu ha sẽ có hiệu quả và thành công" - bà Bình nhấn mạnh.
Vùng ĐBSCL, vựa lúa của cả nước, hàng năm sản xuất từ 24 - 25 triệu tấn lúa, đóng góp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu, mỗi năm mang về giá trị hàng tỷ USD cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Với nguồn vốn cam kết từ phía ngân hàng cho Đề án 1 triệu ha khoảng 30.000 tỷ đồng, cùng với việc ban hành các chính sách ưu đãi về tín dụng để hỗ trợ lãi suất ưu đãi, thời hạn vay dài, hạn mức tín dụng không giới hạn sẽ tạo điều kiện để các thành phần tham gia đề án tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, mua sắm máy móc, cơ giới hóa trong triển khai, nhân rộng đề án.
Đề án 1 triệu ha lúa được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo Việt Nam, tăng thu nhập cho nông dân và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu, kỳ vọng như cam kết thì các bên tham gia cần thực hiện đúng thỏa thuận và “mắt xích” quan trọng, xuyên suốt chính là sự liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp trong đề án để cùng hướng tới lợi ích lâu dài.
Trong phần hai của loạt bài phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam – Cơ quan TT Khu vực ĐBSCL nhấn mạnh về việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, đảm bảo các thành phần tham gia chuỗi liên kết được tiếp cận nguồn vốn, tạo sức lan tỏa, là đòn bẩy cho ngành hàng lúa gạo ĐBSCL bứt phá, hội nhập trong kỷ nguyên vươn mình.
► Bài 2: Vựa lúa miền Tây – Vì người tiêu dùng, vì môi trường
► Bài 3: Tạo luồng gió mới để vựa lúa Đồng bằng vững bước trong kỷ nguyên vươn mình