Kiểm toán chỉ ra hàng loạt hạn chế trong quản lý nợ công Việt Nam
VOV.VN -Theo Kiểm toán Nhà nước, nợ công và công tác quản lý nợ công vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.
Kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố cho thấy, nợ công và công tác quản lý nợ công vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.
Tốc độ nợ công tăng nhanh
Cụ thể, về danh mục nợ công, KTNN đánh giá rằng tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng có thể bị trùng lặp (các khoản vay của Chính phủ từ Quỹ tích lũy trả nợ (có nguồn gốc từ vay nước ngoài của Chính phủ và đã được tính vào nợ công) đến 31/12/2014 là 23.537 tỷ đồng; vay tồn ngân Kho bạc Nhà nước (có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước -NSNN) 131.377 tỷ đồng (Chính phủ vay 120.725 tỷ đồng, chính quyền địa phương 10.652 tỷ đồng).
Hoặc chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ (nợ đọng xây dựng cơ bản), ứng trước dự toán chi đầu tư xây dựng nhiều năm chưa thu hồi, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của 2 ngân hàng chính sách và một số tổ chức khác… phát sinh trực tiếp trong điều hành NSNN nhưng chưa bố trí được nguồn hoàn trả; nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước và nợ của NHNN… theo định nghĩa của một số tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế (IMF và/hoặc WB).
Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo; Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng làm cơ sở để KTNN xác nhận số dư nợ công đến 31/12/2014 tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2014. Cụ thể, số dư đầu kỳ (31/12/2013) của hầu hết danh mục nợ công (ngoại trừ số dư vay nước ngoài của Chính phủ) trên Báo cáo các chỉ tiêu giám sát nợ công năm 2014 tại Báo cáo 126/BC-BTC không phù hợp với số liệu tại Báo cáo giám sát nợ công năm 2013 điều chỉnh theo kết quả kiểm toán niên độ 2013 nhưng Bộ Tài chính chưa làm rõ đầy đủ nguyên nhân chênh lệch;
Một số khoản vay trong nước, Bộ Tài chính chỉ cung cấp cho KTNN số liệu tổng hợp, chưa cung cấp các tài liệu về hạch toán, theo dõi chi tiết đối với từng khoản vay. Kết quả kiểm toán chọn mẫu một số khoản vay cho thấy Bộ Tài chính thống kê thiếu, thừa một số khoản rút vốn, trả nợ, dẫn đến báo cáo nợ công thiếu 864 tỷ đồng (339 tỷ đồng nợ Chính phủ, 461 tỷ đồng nợ được Chính phủ bảo lãnh và 64 tỷ đồng nợ chính quyền địa phương).
Giải ngân ngoài dự toán lớn đẩy tăng bội chi ngân sách
Về quản lý các danh mục nợ, theo đánh giá của KTNN, việc giao kế hoạch vốn ngoài nước tại Quyết định số 2011 ngày 31/12/2013 của Bộ KH&ĐT chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Bởi vì giao thấp hơn nhu cầu giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đăng ký là 24.385 tỷ đồng; giao 4.586,8 tỷ đồng cho 254 dự án không đăng ký, trong khi có 359 dự án đăng ký số vốn là 7.018,4 tỷ đồng nhưng không được giao.
Đồng thời, việc giao vốn cũng chưa đảm bảo theo tiến độ của các dự án. Có 143 dự án theo kế hoạch kết thúc năm 2011, 2012, 2013 nhưng không giao đủ vốn từ năm trước, đến năm 2014 vẫn phải bố trí kế hoạch; 156 dự án kế hoạch phải kết thúc năm 2014 nhưng năm 2015 vẫn phải bố trí kế hoạch vốn.
Thực tế này dẫn đến giải ngân ngoài dự toán lớn là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách, phá vỡ kế hoạch NSNN đã được Quốc hội quyết định. Theo số liệu của KBNN, số giải ngân năm 2014 của: Các Bộ, cơ quan trung ương vượt 82,8% kế hoạch; 63 địa phương vượt 90,3% kế hoạch.
Một trong những hạn chế nước được KTNN chỉ ra là Bộ Tài chính ghi thu - ghi chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, đúng niên độ. Kết quả kiểm toán chọn mẫu 30 dự án/khoản vay với tổng số ghi thu - ghi chi niên độ 2014 là 16.788 tỷ đồng (bằng 17,3% tổng số ghi thu - ghi chi) cho thấy Bộ Tài chính ghi thu ghi chi thiếu 3.046,8 tỷ đồng, bằng 3,14% tổng số ghi thu - ghi chi.
Đặc biệt, qua kiểm toán, 41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nhưng chưa thế chấp tài sản; các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất; nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ; dừng sản xuất kinh doanh, phải bán, giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, kiểm toán chỉ ra rằng, một số địa phương không lập kế hoạch vay và trả nợ vay; không bố trí đủ dự toán để trả nợ; 19/50 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại 31/12/2014 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật NSNN .
Bộ Tài chính chưa phản ánh đầy đủ số liệu của Quỹ tích lũy trả nợ và chưa sử dụng tiền nhàn rỗi của Quỹ để mua trái phiếu Chính phủ theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Quyết định số 01/2013/QĐ-TTg./.