Kinh tế cửa khẩu ở Cao Bằng có nhiều tín hiệu tích cực
VOV.VN - Cùng với du lịch và nông nghiệp hàng hóa, biên mậu được xác định là một trong 3 mũi nhọn phát triển kinh tế của Cao Bằng trong nhiều năm qua.
Tỉnh Cao Bằng có hơn 300 km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc. Mặc dù hệ thống giao thông nối Cao Bằng với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc chưa hoàn thiện nhưng với 1 cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, 3 cặp cửa khẩu chính là Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn và nhiều cặp cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan... Cao Bằng có nhiều lợi thế trong phát triển thương mại và dịch vụ, nhất là kinh tế biên mậu.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, nhưng năm 2018 kinh tế cửa khẩu của Cao Bằng vẫn có nhiều tín hiệu tích cực.
“Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tăng rất mạnh, thu ngân sách từ lĩnh vực này cũng đáp ứng được khoảng 30% thu ngân sách của địa phương. Chính vì vậy, khai thác phát triển kinh tế cửa khẩu, trong đó có cả tiểu ngạch, có cả thương mại quốc tế là cái ưu tiên chúng tôi tập trung vào. Trong đó tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng để hoàn thiện các cửa khẩu, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn”, ông Hoàng Xuân Ánh nói.
Khi tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh hoàn thành, cửa khẩu Trà Lĩnh sẽ là một trong những trung tâm của hành lang kết nối, giao lưu thương mại giữa ASEAN - Việt Nam - Trung Quốc. |
Đánh giá cao tiềm năng kinh tế cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng, cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) với Đồng Đăng (Lạng Sơn). Dự kiến khi tuyến đường hoàn thành, cửa khẩu Trà Lĩnh sẽ là một trong những trung tâm của hành lang kết nối, giao lưu thương mại giữa ASEAN - Việt Nam - Trung Quốc bởi từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc qua Trà Lĩnh đi cảng biển Hải Phòng và tỏa ra các nước ASEAN là con đường ngắn nhất.
Ông Trịnh Trường Huy, Chủ tịch UBND huyện Trà Lĩnh, cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền vận động đến bà con nhân dân để cho mọi người hiểu rõ chương trình, chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu là chương trình chiến lược lâu dài và bền vững trong quá trình hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại. Giáp với Trà Lĩnh là thành phố Thịnh Tây (Trung Quốc), đây cũng là địa bàn sản xuất nông sản lớn nhất Trung Quốc. Vì vậy, đối với Trà Lĩnh, việc hợp tác đối với thành phố Thịnh Tây để giao thương về lĩnh vực nông nghiệp là trọng tâm trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tiếp theo của huyện.”
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Cao Bằng đạt gần 2,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 500 triệu USD. Để tăng sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng đã có nhiều cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, quảng bá thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại Cao Bằng.
Hiện, Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng (Khu cửa khẩu và khu công nghiệp) có 69 dự án còn hiệu lực, trong đó, có 9 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 11 triệu USD và 618 tỷ đồng; 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tà Lùng huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. |
Ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền nhằm phát triển đồng bộ hạ tầng các khu tinh tế cửa khẩu.
“Tới đây, giao thông nội địa sẽ được cải thiện trên cơ sở duy tu bảo dưỡng và nâng cấp. Các nhà đầu tư tiềm năng cũng sẽ đến với kinh tế cửa khẩu và quan tâm hơn đến hoạt động của Khu công nghiệp và khu cửa khẩu. Khi đó, khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và các khu cửa khẩu khác sẽ được thông thương, bởi khó khăn về giao thông đã được tháo gỡ”, ông Nguyễn Kiên Cường nói.
Trên thực tế, việc phát triển kinh tế cửa khẩu tại Cao Bằng vẫn còn nhiều khó khăn khi kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn do Trung ương hỗ trợ. Những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án. Sự chậm trễ đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Những chủ trương, quyết sách của tỉnh, trong đó có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư sẽ là động lực quan trọng để kinh tế cửa khẩu Cao Bằng tiếp tục khẳng định vai trò là khu vực kinh tế động lực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương./.
Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có diện tích gần 16.000 ha
Khu kinh tế cửa khẩu giúp thay đổi diện mạo vùng biên