Kinh tế đêm, mỗi nơi mỗi kiểu: Na ná mô hình dịch vụ, du lịch đêm
VOV.VN - Kinh tế đêm ngày càng được nhiều quốc gia thực hiện thành công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian gần đây, khái niệm “Kinh tế đêm” dần được các địa phương quan tâm đặc biệt. Nhiều nơi đã tổ chức các hoạt động kinh doanh, giải trí vào ban đêm như mở các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu mua sắm, khu ẩm thực… Tuy nhiên, các hoạt động du lịch, dịch vụ ban đêm nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa được quy hoạch, sắp xếp bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp. Nhóm Phóng viên VOV thực hiện loạt bài “Kinh tế đêm, mỗi nơi mỗi kiểu”.
Chợ đêm Lý Sơn nằm ở trung tâm huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Gọi là chợ đêm nhưng kể từ ngày ra đời vào tháng 7/2018, chợ đã chết yểu vì bị đặt nhầm chỗ. Gần 40 gian hàng của hàng chục tiểu thương với vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng buộc phải tháo dỡ di dời vì mất an toàn giao thông và không có người mua.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhi, ở thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn vay hơn 60 triệu đồng đầu tư xây dựng 2 sạp kinh doanh tại khu chợ đêm Lý Sơn, khi chợ không còn hoạt động, bà Nhi cùng hàng chục hộ kinh doanh lâm cảnh nợ nần.
“Chợ đêm không hoạt động được, chính quyền địa phương cũng chưa giải quyết được cho chúng tôi. Số tiền mà chúng tôi đầu tư vào chợ đêm là tiền vay, tới tháng phải trả tiền lời”, bà Nguyễn Thị Phương Nhi than thở.
Khi triển khai xây dựng khu chợ đêm, UBND huyện Lý Sơn kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách đến với huyện đảo này. Theo kế hoạch, nơi đây là không gian giới thiệu, quảng bá các đặc sản, sản phẩm du lịch biển đảo Lý Sơn với du khách. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã chọn nhầm vị trí xây dựng khu chợ đêm, các lô sạp nằm gần khu nghĩa địa, dọc 2 bên đường gây mất an toàn giao thông…
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận khu chợ đêm hoạt động không hiệu quả, chính quyền địa phương lên phương án di dời chợ đêm đến vị trí mới phù hợp và thuận tiên hơn: “Đây cũng là bài học cho các phòng ban, cơ quan của huyện khi chọn địa điểm chợ đêm chưa phù hợp. Qua đây, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm giảm thiệt hại cho tiểu thương gặp khó khăn khi tham gia hoạt động chợ đêm”.
Cũng như huyện đảo Lý Sơn, thời gian gần đây, chợ đêm, nhà hàng, quán nhậu, phố ẩm thực… đua nhau “nở rộ” ở các tỉnh, thành phố. Khu chợ đêm ở địa phương nào cũng chủ yếu bày bán hàng tiêu dùng giá rẻ, quà lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, na ná nhau…
"Huế là một điểm đến rất hấp dẫn mang nét đặc trưng riêng về những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Thế nhưng khi đến Huế, lần nào cũng vậy, du khách cảm thấy nhàm chán, đặc biệt là ban đêm”, một du khách cho hay.
Còn theo một du khách khác, "Đà Nẵng rất hấp dẫn du khách bởi cảnh đẹp sông, biển, núi non và cả con người thân thiện mến khách nơi đây. Ngoài thời gian tham quan ban ngày, Đà Nẵng vẫn còn thiếu những hoạt động mang tính đặc trưng riêng vào ban đêm để giữ chân du khách”.
Ở nhiều nơi, các hoạt động kinh tế ban đêm sau thời gian ngắn hoạt động đã phải dẹp bỏ, do biến tướng, nhếch nhác... Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, các mô hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm ở nhiều địa phương còn manh mún, chủ yếu là mở phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực, chợ đêm, quán cà phê, bar, vũ trường, nghệ thuật đường phố…
“Kinh tế đêm là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế lâu dài đúng với định hướng phát triển của địa phương. Ngoài phố đi bộ Hoàng Thành đi vào hoạt động, là một địa điểm phục vụ kinh tế đêm. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư một số khu vực khác để tạo ra những điểm kinh tế đêm thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm”, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết.
Thời gian qua, các địa phương chưa chủ động trong công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch về đêm. Đa số doanh nghiệp du lịch tham gia hoạt động về đêm quy mô nhỏ, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Theo ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc thiếu các điểm tham quan mang tính nổi trội, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí, điểm biểu diễn nghệ thuật cũng như sản phẩm dịch vụ du lịch về đêm chưa tạo ấn tượng đối với du khách.
“Cần bớt những sản phẩm du lịch để trong phố, đông khu dân cư. Phố đi bộ thì tốt, chợ đêm cũng là 1 sản phẩm nhưng hiện nay ở đâu cũng có, nhưng tập trung khu đô thị sẽ xung đột về lợi ích; giải quyết về lợi ích, môi trường, an ninh trật tự cũng phức tạp hơn”, ông Trần Văn Tân nêu ý kiến.
Hiện nay, tại nhiều địa phương, hạ tầng dành cho kinh tế đêm chưa đảm bảo, chưa có quy hoạch riêng cho phát triển kinh tế đêm mà chủ yếu phát triển dựa trên hệ thống hạ tầng hiện có. Môi trường dịch vụ, thương mại còn nhiều hạn chế; nạn chèo kéo khách, nâng giá, thói quen sinh hoạt của người dân cũng gây nhiều bất lợi trong hoạt động du lịch về đêm. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Cố vấn Công ty Liên hợp vận tải và du lịch - Vitraco Đà Nẵng cho rằng đó là những nguyên nhân làm cho hoạt động kinh tế đêm chưa phát triển.
“Gần đây, Chính phủ đã có chủ trương phát triển kinh tế đêm là rất đúng đắn. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có đủ điều kiện và thời gian để có những chiến lược phát triển kinh tế đêm”, ông Lê Tấn Thanh Tùng nhận định./.