Kinh tế rừng Bắc Kạn: Thay đổi để phát triển bền vững

VOV.VN - Trồng rừng đang là hướng phát triển kinh tế chủ lực của tỉnh Bắc Kạn với diện tích rừng trồng hiện có hơn 100.000 héc ta.

Vậy nhưng hầu hết những sản phẩm từ rừng trồng của người dân lại chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu có yêu cầu cao và giữa người dân và doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu tại địa phương cũng chưa có mối liên kết để nâng cao giá trị rừng trồng.

Khu công nghiệp (KCN) Thanh Bình nằm trên vùng trọng điểm trồng rừng của tỉnh Bắc Kạn nên khu vực xung quanh bạt ngàn rừng trồng của người dân. Vậy nhưng rất nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trong KCN Thanh Bình lại đang phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh như Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang... để phục vụ sản xuất. 

Ông Ngô Văn Hiến, Công ty CP Đầu tư GOVINA cho biết, do sản phẩm gỗ chế biến chủ yếu xuất sang các thị trường ở châu Âu và Mỹ nên đòi hỏi giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, thậm chí có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Trong khi gỗ rừng trồng tại Bắc Kạn hầu như vẫn chưa đáp ứng tiêu chí này. 

"Đơn vị nào cũng vậy, khi làm xuất khẩu hoặc bán ra thị trường thì người ta đều đòi hỏi về nguồn gốc nguyên liệu nhập từ đâu, từ đâu mà có, có hợp pháp hay không. Thị trường như Mỹ cũng là thị trường khó tính, người ta cũng yêu cầu. Còn thị trường châu Âu muốn vào bắt buộc phải có chứng chỉ, nên chúng tôi cũng rất đề cao vấn đề về nguồn gốc nguyên liệu", ông Ngô Văn Hiến nói.

Lâu nay, nhiều người dân Bắc Kạn vẫn giữ thói quen bán gỗ rừng trồng chưa đủ tuổi, chủ yếu phục vụ các cơ sở băm dăm hoặc bóc ván thủ công để rút ngắn chu kỳ trồng rừng. Chính vì vậy, giá trị rừng trồng không cao và hầu như không thể đáp ứng các thị trường khó tính.

Điều này cũng dẫn đến thực trạng còn nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu tổ chức sản xuất tại Bắc Kạn cả chục năm nhưng chưa đơn vị nào có được vùng nguyên liệu ổn định tại chỗ. Điều này cho thấy mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả.

Bà Nông Thị Kiểm, đại diện công ty TNHH Lechenwood Việt Nam cho biết, đơn vị đã hoạt động tại Bắc Kạn từ 2019, tuy nhiên, lượng nguyên liệu của tỉnh Bắc Kạn chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại vẫn phải nhập từ bên ngoài.

“Nguồn nguyên liệu tại địa phương thì rất phong phú, tiềm năng lớn, tuy nhiên giữa người trồng rừng và nhà máy sản xuất vẫn chưa có được sự liên kết chặt chẽ. Để giải quyết vấn đề này thì giữa người trồng rừng, chính quyền và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ, sao cho gỗ từ rừng có thể về ngay nơi chế biến trong tỉnh thì sẽ nâng cao hiệu quả”, bà Nông Thị Kiểm nói.

Bắc Kạn xác định việc nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng là đòi hỏi cấp thiết nhằm tăng giá trị ngành lâm nghiệp cũng như công nghiệp chế biến lâm sản, trong đó có việc xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm để hướng tới các thị trường lớn trên thế giới.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, năm 2017 tỉnh Bắc Kạn đã thí điểm phối hợp với một doanh nghiệp của tỉnh lân cận xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ FSC đầu tiên trên diện tích gần 1.000 héc ta tại huyện Chợ Mới.

Tuy nhiên, sau khi có chứng chỉ, doanh nghiệp đã không đến thu mua theo cam kết, người dân buộc phải bán cho thương lái và các cơ sở chế biến thủ công trên địa bàn. Dự án tuy không mang lại kết quả như mong muốn, nhưng cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt khi người dân có được những cánh rừng cho chất lượng gỗ cao hơn, bán được giá hơn so với trước đây.

Ông Hà Quảng Dũng, thôn Nà Cà I, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho hay: “Theo cách làm mới chúng tôi được tỉa thưa cây 2 lần, mỗi lần cũng cho thu nhập 10-30 triệu rồi. Sau đến khi thu hoạch sẽ đạt ít nhất 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi cây, mà rừng lúc đó theo tiêu chuẩn là 400 cây, nên thu nhập sẽ là từ 200-400 triệu. So với cách cũ có thể cao hơn ít nhất là 3 lần".

Việc chuyển đổi phương thức canh tác cũ cho giá trị thấp sang trồng các loại cây gỗ lớn nâng cao giá trị là quyết tâm của cả hệ thống chính trị của địa phương này. Bắc Kạn đã chú trọng khuyến khích người dân phát triển diện tích trồng cây gỗ lớn theo hướng đa mục đích như Lát, Trám, Sao, Quế và với các loại keo, mỡ theo hướng phát triển bền vững.

Trong Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035, Bắc Kạn phấn đấu trước mắt sẽ có khoảng 1/3 diện tích trồng rừng theo hướng kinh doanh cây gỗ lớn, các diện tích trồng rừng tập trung cho chế biến phấn đấu 40% có chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc chứng chỉ FSC. Mục tiêu hướng đến là 100% sản phẩm từ gỗ rừng trồng phải có truy xuất nguồn gốc theo quy định.

Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, để thực hiện mục tiêu này, yếu tố quan trọng đó là sự vào cuộc của người dân và có sự đồng hành của các doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai chương trình, đặc biệt là đảm bảo sinh kế cho người trồng rừng. Hiện đã có một số doanh nghiệp đăng ký triển khai dự án cấp chứng chỉ rừng bền vững trên địa bàn tỉnh.

"Mục tiêu hướng tới là Bắc Kạn phải phát triển lâm nghiệp theo tính bền vững, đảm bảo diện tích rừng và rừng trồng được cấp chứng chỉ  FSC. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu mà nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, là từ nay đến năm 2025 làm sao Bắc Kạn phấn đấu có với diện tích 20.000 ha được cấp chứng chỉ FSC. Nội dung này thì vừa rồi Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh có đánh giá lại kết quả thực hiện, cũng đã đưa ra và giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành chức năng, đặc biệt là sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có  định hướng thực hiện đảm bảo theo chỉ tiêu kế hoạch này", ông Nông Quang Nhất nói.

Bắc Kạn đang quyết tâm cao trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phát triển kinh tế rừng. Từ sự manh mún, nhỏ lẻ sang mục tiêu cao hơn là tạo hệ sinh thái bền vững theo chuỗi liên kết giá trị, để cây gỗ của miền núi Bắc Kạn có thể đi đến các thị trường lớn trên thế giới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế rừng
Khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế rừng

Chúng ta cần phải khai thác bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên từ rừng, tiến tới không phải nhập khẩu nguyên liệu.

Khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế rừng

Khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế rừng

Chúng ta cần phải khai thác bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên từ rừng, tiến tới không phải nhập khẩu nguyên liệu.

Hà Giang quy hoạch phát triển kinh tế rừng
Hà Giang quy hoạch phát triển kinh tế rừng

Phát triển kinh tế rừng tại Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn trong chính sách vay vốn ưu đãi, giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân.

Hà Giang quy hoạch phát triển kinh tế rừng

Hà Giang quy hoạch phát triển kinh tế rừng

Phát triển kinh tế rừng tại Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn trong chính sách vay vốn ưu đãi, giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân.

Bắc Kạn cần khai thác thế mạnh rừng và kinh tế rừng
Bắc Kạn cần khai thác thế mạnh rừng và kinh tế rừng

Chiều 2/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cùng với Đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn.

Bắc Kạn cần khai thác thế mạnh rừng và kinh tế rừng

Bắc Kạn cần khai thác thế mạnh rừng và kinh tế rừng

Chiều 2/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cùng với Đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn.