Lâm Đồng dần khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá”
VOV.VN - Thấy được hiệu quả qua các mô hình liên kết sản xuất, Lâm Đồng đã khuyến khích nông dân và các HTX, DN trong tỉnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
Nhờ đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh và hữu cơ vào sản xuất, Lâm Đồng đã từng bước khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, ổn định đầu ra sản phẩm nông sản cho người dân.
Trước đây, việc sản xuất của nông dân Lê Quang Lượng, ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) luôn đối mặt với khó khăn vì vườn rau xanh các loại của gia đình thường xuyên bán với giá rẻ, thậm chí có lúc rau phải bỏ thối ngay tại vườn do không có người mua. Một năm trở lại đây, nhờ tham gia vào mô hình liên kết với một cơ sở sản xuất rau an toàn trên địa bàn, 100% sản phẩm rau của ông Lượng đều bán trôi chảy, giá cả ổn định và nguồn thu lãi được hơn rất nhiều so với trước.
Ông Lượng cho biết, một khi liên kết được thực hiện thì việc canh tác đều trở nên dễ dàng, không còn phải lo lắng về đầu ra. “Khi tôi liên kết làm thì thị trường ổn định và kinh tế đạt hiệu quả cao. Bây giờ nếu không liên kết, tự mình làm và bán sản phẩm ra thị trường thì rất là khó. Nhiều lúc buổi sáng là cây rau nhưng chiều đã thành rác, vì vậy tôi phải làm sao để sáng là cây rau và chiều cũng là cây rau. Muốn như vậy thì buộc mình phải liên kết sản xuất để làm ăn, để cho có thị trường đầu ra ổn định”.
Thấy được hiệu quả qua các mô hình liên kết sản xuất, Lâm Đồng đã khuyến khích, vận động nông dân và các HTX, doanh nghiệp trong tỉnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Hiện toàn tỉnh đã có 165 chuỗi liên kết sản xuất, tăng 45 chuỗi liên kết so với 2 năm trước, trong đó có gần một nửa số chuỗi được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận chất lượng sản phẩm nông sản.
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng và hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất các mặt hàng nông sản đã góp phần tăng thêm giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh gấp 1,3 lần so với trước, và giá trị sản phẩm thu được trên cùng một đơn vị diện tích canh tác bình quân đạt 180 triệu đồng/ha/năm. Đây là hướng đi tích cực mà tỉnh cần đặc biệt chú trọng trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại.
Ông Phạm S cho biết: “Lâm Đồng đã có 165 chuỗi liên kết sản xuất được hình thành, từ sự liên kết này đã giúp nâng cao được giá trị nông sản theo hướng an toàn thực phẩm và việc sản xuất được tiếp cận theo hướng nâng cao. Không những phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà đã từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng thông minh và hữu cơ. Nhiều nông sản đã tạo được uy tín, cho giá trị cao, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng năm sau cao hơn năm trước 20%”./.