Lãng phí nghiêm trọng do qui hoạch sử dụng đất kém
(VOV) -Nhiều dự án sau khi công bố qui hoạch thì nằm im hoặc hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là vấn đề “nóng” nhất hiện nay về công tác quy hoạch sử dụng đất. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), thực tế, có dự án sau khi công bố quy hoạch thì việc triển khai thực hiện cầm chừng cũng có dự án công bố xong thì bị bỏ quên nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhưng không có ai bị kiểm điểm, xử lý.
Ngoài ra, theo các đại biểu Quốc hội, công tác qui hoạch thời gian qua mang tính hình thức, chậm và lạc hậu đáng kể so với tình hình sử dụng đất. Bên cạnh đó là tình hình buông lỏng quản lý, nôn nóng, chạy theo lợi ích kinh tế ở nhiều địa phương, tự phát, chuyển mục đích sử dụng đất tạo ra sự rối loạn trong sử dụng đất để lại tác động xấu đến môi trường.
Theo quan sát của đại biểu Huỳnh Nghĩa, một số dự án treo gây bất bình trong nhân dân, đất bỏ hoang không sử dụng, không cho dân sản xuất, không cho dân xây dựng nhà ở. Có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng cũng không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật. Nhiều dự án sau khi được phê duyệt nhưng nhiều năm không công bố quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương và ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Khoản 3, Điều 48 quy định: 3 năm công bố dự án mà chưa có quyết định thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án, trường hợp cơ quan có thẩm quyền không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền.
Bình luận về quy định này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn TP Đà Nẵng) khẳng định: “Chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính khả thi của điều luật. Với quy định này về phía người dân không thể thực hiện được, nếu không có quyền, không hợp tác. Chẳng hạn người dân muốn bán nhà, nhưng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không giải quyết vì quy hoạch chưa bị hủy thì làm sao người dân thực hiện quyền bán nhà” và đại biểu cho rằng: “Đây là vấn đề thực tế rất vướng, đề nghị Ban soạn thảo xem xét xử lý thì mới đảm bảo tính khả thi của luật”.
Trong thực tế, nhiều cơ quan nhà nước công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công bố diện tích đất phải thu hồi theo dự án, nhưng sau đó không thực hiện hoặc chậm thực hiện ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và cuộc sống của người dân trong khu vực có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) đề nghị bổ dung quy định: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với những trường hợp người sử dụng đất trong vùng đã công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có diện tích đất bị thu hồi mà thiệt hại do hạn chế quyền sử dụng đất”.
Trở lại với chất lượng qui hoạch sử dụng đất hiện nay, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) thì cho rằng: Nội hàm các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn kém, quy hoạch phát triển quá rộng, quá chung chung, khó thực hiện trong khi quy hoạch cụ thể lại quá chi tiết và cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ khi triển khai thực tế. Việc tổ chức thực hiện thiếu ổn định điều này không thu hút được các nhà đầu tư.
Một điểm nữa được Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đưa ra là, chưa có sự tương tác giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai lần này nên áp dụng quy hoạch vùng vào trong quy hoạch kế hoạch sử đụng đất, để công tác quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tính khả thi cũng như hướng tới phát triển bền vững. Quy hoạch vùng là một trong những công cụ quan trọng nhất cho liên kết giữa các địa phương trong quá trình sử dụng phát triển quỹ đất nhằm đảm bảo tính thống nhất và sự phối hợp cho phát triển của từng vùng. Do đó, qui hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia, vùng - tỉnh và vùng - miền.
Thực tế, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tốt sẽ tạo ra được bước đi tiết kiệm và hiệu quả. Ngược lại, nếu quy hoạch kế hoạch sử dụng đất xấu sẽ làm cho cả đất nước sa vào những mắc mớ khó bước về phía trước. Vì vậy, đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị nên bổ sung điều, khoản về giám sát và đánh giá hiệu quả, hiệu suất cũng như tác động của quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trong quá trình thực thi quy hoạch. Bởi vì nếu thiếu sự giám sát khó có thể đưa ra những điều chỉnh hợp lý và loại bỏ những bất hợp lý khi triển khai quy hoạch trong thực tế, dẫn đến tình trạng quy hoạch treo như hiện nay.
Nên giữ 4 cấp qui hoạch như hiện tại
Khác với quy định hiện hành, dự thảo sửa đổi không quy định cấp xã thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Lý do Ban soạn thảo đưa ra là để đồng bộ, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhân lực. Tuy nhiên, đại biểu Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình) cho rằng, giải trình như vậy chưa thuyết phục. Đại biểu cho rằng, việc xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất không đơn thuần là công việc chuyên môn kỹ thuật mà phải đặt trong mối quan hệ giữa quy hoạch kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất không thể không gắn liền với quy hoạch kế hoạch về xây dựng nông thôn mới đang do cấp xã trực tiếp thực hiện. Những xung đột về đất đai, các lợi ích khác đều xảy ra ở cấp xã. Chính vì vậy, nhiều đại biểu đồng tình với vieecjc thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất theo 4 cấp như quy định hiện hành.
Còn theo đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), quy định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm là không phù hợp, khó khả thi, nếu áp dụng sẽ gặp nhiều vướng mắc bất cập. Theo lý giải của đại biểu, kỳ sử dụng đất quá ngắn, thiếu ổn định, kế hoạch năm trước chưa thực hiện được thì lại chuẩn bị kế hoạch cho năm sau. Qui định này cũng không tạo sự an tâm cho người có quyền sử dụng đất. Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tấn đề nghị dự án luật cần quy định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập 2 năm một lần, hoặc 5 năm 2 lần.
Về hội đồng thẩm định, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị phải qui định rõ: Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình. Qui định này để tránh tình trạng làm việc thiếu trách nhiệm của Hội đồng thẩm định hoặc có sự thỏa thuận của Hội đồng, thành viên Hội đồng với tổ chức tư vấn, làm quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Mặt khác, cũng cần làm rõ khi Hội đồng thẩm định và cơ quan lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất không thống nhất được với nhau thì xử lý như thế nào./.