Lành mạnh buôn bán biên giới Việt-Trung
VOV.VN -Giải pháp này góp phần đưa kim ngạch hai nước năm 2015 lên 60 tỷ USD, đồng thời thu hẹp nhập siêu.
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2004, kim ngạch song phương hai nước mới đạt 7,1 tỷ USD thì đến 2012 đã đạt 41 tỷ USD, tăng gấp 5 lần. Nhập siêu từ Trung Quốc cũng tăng rõ rệt. Năm 2004, nhập siêu 1,7 tỷ, đến 2012 tăng 16 tỷ, gấp 10 lần.
Phóng viên VOV online phỏng vấn ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương, Bộ Công Thương về tăng cường kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
Ông Đào Ngọc Chương |
PV: Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng?
Ông Đào Ngọc Chương: Việc Việt Nam ngày càng nhập nhiều nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước là tất yếu. Vì do địa lý hai nước gần gũi nhau nên rất thuận lợi trong vận tải. Hàng hóa của Trung Quốc lại phong phú, giá cả hợp lý. Tất cả mặt hàng Việt Nam cần Trung Quốc đều đáp ứng rất nhanh và đầy đủ. Đây chính là sức hấp dẫn của hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam. Điều này cũng dẫn đến việc hàng hóa của Việt Nam-Trung Quốc trong quan hệ với nhau, cùng việc bổ sung, khai thác tiềm năng hiện có ngày càng tốt thì việc Việt Nam khai thác thế mạnh của Trung Quốc về nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu gia công xuất khẩu ngày càng tăng nên tỷ lệ nhập siêu ngày càng lớn.
Trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam -Trung Quốc cũng có nét tương đồng. Hai nước đều hướng về kinh tế thị trường theo định hướng xuất khẩu, nên cơ cấu hàng hóa hai nước tương đối giống nhau. Thế nhưng về chủng loại thì Trung Quốc phong phú hơn Việt Nam.
PV: Hai bên có giải pháp gì để cân bằng cán cân thương mại, thưa ông?
Ông Đào Ngọc Chương: Hiện nay, Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, muốn cân bằng quan hệ hai bên, muốn duy trì tốc độ phát triển ổn định thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Phải thu hút nhiều đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam để nâng giá trị hàng hóa xuất khẩu sang trung Quốc để tiến tới bền vững cân bằng.
Theo hướng đó, thời gian qua Bộ Công thương Việt Nam và Bộ thương mại Trung Quốc là hai Bộ chủ quản trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp, thương mại đã rất tích cực trong việc khai thác tiềm năng hai nước, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại hai nước đi vào ổn định.
Để làm được điều đó, hai bộ thời gian qua đã đề ra một loạt biện pháp thiết thực. Một trong những thành công là hai bên ký biên bản ghi nhớ về thương mại nông sản. Theo đó, phía Trung Quốc sẽ tạo điều kiện khuyến khích Việt Nam đẩy mạnh các mặt hàng nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có tiềm năng sang Trung Quốc. Đồng thời, hai bên cũng trao đổi một loạt biện pháp ổn định buôn bán biên giới đi vào trật tự và lành mạnh, đạt mục tiêu lãnh đạo cấp cao đề ra. Các giải pháp này góp phần đưa kim ngạch hai nước năm 2015 lên 60 tỷ mà còn làm lành mạnh buôn bán biên giới, giảm thiểu tiêu cực trong buôn bán mậu biên giữa hai nước. Đồng thời, còn thu hẹp nhập siêu.
PV: Hoạt động xúc tiến thương mại những năm qua được hai bên quan tâm thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Đào Ngọc Chương: Để quan hệ buôn bán giữa hai bên phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững công cụ không thể thiếu là xúc tiến thương mại. Phía Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này tại thị trường Trung Quốc. Và ngược lại, phía Trung Quốc cũng rất ủng hộ và tham gia đầy đủ.
Trong các sự kiện tổ chức hội chợ thương mại, triển lãm ở Việt Nam thì Trung Quốc là một trong những nước đứng hàng đầu về số lần, số lượt DN tham gia. Ngược lại, các doanh nghiệp và ngành hàng Việt Nam cũng tham gia ngày càng đông đảo, sâu rộng các hội chợ, triển lãm Trung Quốc. Các biện pháp, hoạt động này không chỉ có lợi ích trước mắt mà về lâu dài giúp quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc đi vào chiều sâu. Và như thế nó sẽ đồng thời khai thác ngày càng tối đa tiềm năng bổ sung lẫn nhau giữa hai nước.
Quầy thu ngân ở Khu kinh tế thương mại Đông Hưng (giáp Móng Cái) - ảnh Vũ Hạnh |
PV: Năm nay là năm thứ 10 diễn ra Hội chợ Trung Quốc-ASEAN. Sau 9 kỳ tham gia, ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Ông Đào Ngọc Chương: Tôi xin chúc mừng các bạn Trung Quốc đã tổ chức thành công 9 kỳ hội chợ Trung Quốc-ASEAN tại Nam Ninh. Với chặng đường như vậy, các bạn đã đưa hội chợ này từ một hội chợ không tên tuổi, qua một thời gian ngắn trở thành hội chợ hàng đầu, có uy tín, hấp dẫn và có qui mô, có sự tham gia đông đảo không chỉ các nước trong khối ASEAN mà cả các nước trong khu vực.
Là một nước cửa ngõ của ASEAN, cùng với Trung Quốc núi sông liền dải với Quảng Tây, chúng tôi ý thức được tầm quan trọng cũng như nguyện vọng tham gia sân chơi chung này giữa ASEAN và Trung Quốc. Trải qua 9 năm, đối với Việt Nam chúng tôi cảm nhận được 3 điều.
Thứ nhất, qua hội chợ, Việt Nam tăng cường sâu sắc hơn nữa niềm tin chính trị giữa lãnh đạo hai bên. Qua 9 năm, năm nào Việt Nam cũng tham gia rất đông đảo. Về mặt Chính phủ đều có lãnh đạo cấp cao tham dự. Đây là dịp không chỉ lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc, mà cả lãnh đạo các địa phương hai bên tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, trao đổi, giao lưu… Mỗi kỳ hội chợ, vượt qua một khuôn khổ hội chợ, đó là nơi gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết chính trị hữu nghị giữa lãnh đạo cấp cao và địa phương hai nước.
Thứ hai, hội chợ đã trải qua 9 năm, Việt Nam đã thể hiện rất tốt vai trò nước hàng đầu ASEAN khi tham gia hội chợ bằng việc qui mô gian hàng Việt Nam ngày càng lớn, diện mặt hàng, ngành hàng ngày càng đông đảo. Lượng DN tham gia ngày càng lớn. Kết quả thu được của các giao dịch tại các hội chợ ngày càng cao hơn.
Thứ ba, thông qua hội chợ này, giao lưu, hiểu biết tăng cường hữu nghị của đông đảo DN Việt Nam, Trung Quốc, ASEAN.
PV: Năm nay, phía Việt Nam chuẩn bị cho hội chợ này như thế nào, thưa ông?
Ông Đào Ngọc Chương: Năm nay, kỷ niệm 10 năm Hội chợ Trung Quốc-ASEAN và Hiệp định mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN, tôi tin rằng, đây sẽ là dấu ấn khó quên trong quan hệ chung Trung Quốc-ASEAN, Trung Quốc-Việt Nam.
Hội chợ được Bộ Công thương quan tâm hàng đầu, được đưa vào là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, có sự hỗ trợ của Chính phủ để tạo điều kiện cho các DN.
PV: Xin cảm ơn ông!