Liên kết "6 nhà" để nông dân Bình Dương vững tin
VOV.VN - Nông nghiệp Bình Dương đang đối mặt với nhiều khó khăn như sản xuất nhỏ lẻ, thiếu thị trường ổn định. Để giải quyết những vấn đề này, ngày 15/11, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương triển khai chương trình hợp tác "6 nhà" nhằm tạo ra một chuỗi giá trị nông sản hiệu quả và bền vững.
Nông dân cần trợ lực
Bình Dương không chỉ nổi tiếng là một tỉnh công nghiệp năng động mà còn hướng đến là một địa phương có nền nông nghiệp phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh có 942 trang trại, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt đạt khoảng 7.561 ha, tập trung vào các loại cây trồng có giá trị cao như rau sạch, trái cây đặc sản. Bên cạnh đó, chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao cũng đạt được những kết quả đáng kể với 150 trang trại hiện đại.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Bình Dương đã đạt được những thành công đáng kể. Đến nay, tỉnh đã có 219 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường như bưởi da xanh Tân Uyên, yến Hiếu Hằng, dưa lưới Kim Long....
Tuy nhiên, nông nghiệp Bình Dương vẫn còn đối mặt với một số thách thức như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết trong chuỗi giá trị và sản phẩm chủ yếu vẫn là hàng tươi sống.
Theo hội viên nông dân, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, tạo ra chuỗi giá trị, nông dân cần trợ lực về vốn, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu...
Bà Tăng Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH yến Hiếu Hằng, ở Phú Giáo, chia sẻ, Tổ yến Hiếu Hằng của công ty đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Công ty đang muốn đa dạng hóa sản phẩm với yến tươi, chè yến, cháo yến... nhưng gặp khó về vốn và cách làm.
“Hiện tại, công ty đang sử dụng yến chưng thủ công, tôi rất muốn làm yến chưng vẫn giữ hương vị cũ nhưng có hạn sử dụng lâu hơn để bán ra thị trường nhiều hơn. Tôi muốn có những gói hỗ trợ để mua máy móc hoặc có phòng trưng bày sẵn phẩm để mình giới thiệu khách hàng nhanh nhất”.
Ông Vũ Minh Dương, Giám đốc Công ty Thực phẩm Phú Mỹ A, ở TP.Thủ Dầu Một cho biết, công ty có ơn 13 năm làm thực phẩm sạch với các sản phẩm truyền thống như giò lụa, nem thính, chả bì... được sự tin tưởng của người tiêu dùng nhờ chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô sản xuất và đưa sản phẩm đến với nhiều khách hàng hơn, công ty rất cần các chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ quảng bá.
Ông Dương chia sẻ: “Hộ nông dân chỉ có niềm đam mê và tâm huyết thôi chưa đủ, chúng tôi còn cần rất nhiều yếu tố khác như nguồn vốn, khoa học công nghệ. Đặc biệt, việc được các ban ngành hỗ trợ tham gia các hội chợ lớn, hội chợ OCOP sẽ giúp chúng tôi tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn”.
Tìm giải pháp hỗ trợ nông dân
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, để khắc phục những hạn chế hiện nay và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Liên kết "6 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà phân phối, ngân hàng) chính là giải pháp tổng thể, nhằm tạo ra một chuỗi giá trị nông sản hiệu quả và bền vững.
Trong thời đại công nghệ 4.0, các sàn thương mại điện tử nông sản đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc kết nối nông dân với người tiêu dùng. Bằng việc hỗ trợ nông dân đăng ký tài khoản và gian hàng trên sàn, các sàn thương mại điện tử giúp nông sản dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được nông sản chất lượng với giá cả hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Toàn Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ Felix, cho biết, công ty đã ký kết với Hội nông dân 12 tỉnh thành trong cả nước để phân phối nông sản. Sau lễ ký kết ở Bình Dương, công ty sẽ cử cán bộ hỗ trợ trực tiếp để nông dân dễ dàng tiếp cận.
"Khác với các sàn khác, sàn Felix hoạt động theo mô hình mua sỉ, bán sỉ (B2B), cho phép nông dân trực tiếp giao tiếp với khách hàng để trao đổi, đàm phán và ký kết hợp đồng, chứ không bán qua sàn như các sàn khác. Gian hàng nào đã được đưa lên sàn sẽ tăng doanh thu rất lớn trong thời gian ngắn”, ông Cơ nói.
Để giải quyết nỗi lo về vốn và chuyển giao công nghệ của nông dân, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã ký kết với các đơn vị liên quan để triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.
6 ngân hàng trong tỉnh Bình Dương đã cam kết hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi. Điều này giúp nông dân có điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Đồng thời, việc tiếp cận vốn thuận lợi cũng góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Hội đã phối hợp với Viện Phát triển ứng dụng, trường Đại học Thủ Dầu Một để chuyển giao các quy trình sản xuất hiện đại, giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Trương Thành Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, cho biết: "Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để xây dựng các gói chính sách, gói ưu đãi đặc biệt dành cho lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua các chính sách này, bà con nông dân sẽ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới, từ đó phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Về chuỗi liên kết, sau chương trình hợp tác 6 nhà, Hội sẽ có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn cho các cấp hội triển khai, tùy theo điều kiện địa phương".