Liên kết trong nông nghiệp, nhiều hợp tác xã ở Bà Rịa-Vũng Tàu ăn nên làm ra
VOV.VN - Nhờ liên kết trong nông nghiệp, nhiều nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã tại Bà Ria-Vũng Tàu đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ, từ đó phát triển canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21/2020 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của HĐND tỉnh, nhiều nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã tại Bà Ria-Vũng Tàu đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ, từ đó phát triển canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững và đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 20 hợp tác xã tham gia dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm theo Nghị quyết 21/2020 của HĐND tỉnh. Theo Nghị quyết 21, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết; hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng công trình hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng mô hình liên kết điểm bao gồm: chi phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu cho các hợp tác xã, trang trại nhưng không quá 1 tỷ đồng/mô hình.
Ông Nguyễn Tiến Lượng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Trường, huyện Châu Đức cho biết, được thành lập từ năm 2022, ban đầu HTX chỉ có 5 thành viên chuyên trồng thanh long. Mục tiêu của xã viên là liên kết sản xuất để có đầu ra ổn định, không phụ thuộc vào thương lái, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX đã có 10 xã viên với quy mô hơn 12ha. Hiện bà con xã viên HTX đang được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP.
“Trước đây HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhìn chung đến nay cây thanh long vẫn ổn định và thuận lợi trong sản xuất. Hiện HTX đang hợp tác sản xuất theo công nghệ cao để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Vừa qua các cơ quan chức năng, đối tác hướng dẫn sản xuất công nghệ cao đã về lấy mẫu sản phẩm”, ông Nguyễn Tiến Lượng cho biết thêm.