Lọc dầu Dung Quất “cầu cứu“: Bộ Tài chính nói gì?
VOV.VN -Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đề xuất của Bình Sơn về giảm thuế xăng dầu cho Dung Quất hoàn toàn cần thiết và hợp lý.
Giá xăng dầu của Dung Quất cao hơn hàng ngoại nhập 10%
Do giá dầu thế giới xuống thấp, việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu năm 2016 của Công ty Bình Sơn thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Tập đoàn PVN và Công ty Bình Sơn (Bình Sơn - công ty quản lý vận hành, sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu diesel, madút và JET-A1 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Giá xăng dầu của Dung Quất đang cao hơn hàng ngoại nhập 10% (Ảnh minh họa: KT) |
Sở dĩ PVN có đề xuất này vì từ tháng 1/2016, sản phẩm diesel nhập từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc có thuế về 0% trong khi sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất vẫn giữ thuế 10%. Còn với xăng, theo lộ trình đến năm 2021 mới bắt đầu đưa thuế nhập khẩu về 0% nhưng thỏa thuận FTA với Hàn Quốc những sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ chịu 10% trong khi xăng Dung Quất là 20%. Thời gian tới thỏa thuận với Nhật Bản cũng sẽ đưa thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ Nhật Bản về 10%. Điều này có nghĩa là giá của xăng và dầu Dung Quất cao hơn hàng ngoại nhập 10%.
Cuối tháng 2/2016, thông tin từ Công ty Bình Sơn cho rằng, cùng là mặt hàng xăng dầu nhưng sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất lại phải chịu mức thuế 20%, cao hơn tới 10% so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Hàn Quốc. Và điều này dẫn tới việc giá sản phẩm xăng của nhà máy cao hơn 4,87 USD/thùng so với giá sản phẩm xăng từ Hàn Quốc. Dung Quất vì thế gặp khó, sản phẩm của Dung Quất khó tiêu thụ cũng là điều tất yếu.
Đề xuất của Bình Sơn hoàn toàn cần thiết và hợp lý
Về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, bắt đầu từ năm 2016, nhất là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực, mặt hàng xăng từ mức thuế suất 20% xuống 10% tạo nên sự chênh lệch lớn giữa thuế suất thuế nhập khẩu theo mức thông thường và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo mức ưu đãi đặc biệt của các Hiệp định FTA.
“Việc đề xuất của Bình Sơn hoàn toàn cần thiết và hợp lý, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các sản phẩm từ cơ sở sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu”- ông Tuấn nhấn mạnh. Điều này, theo ông Tuấn, đảm bảo được mức bảo hộ hợp lý theo đúng các cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại.
Quan điểm của Bộ Tài chính là, việc thực hiện các chính sách vừa qua đối với Bình Sơn hoàn toàn không phải ưu đãi mà là nghĩa vụ của Bình Sơn đối với ngân sách nhà nước. Do vậy, để thực hiện nghĩa vụ này thì nhà sản xuất trong nước phải được bình đẳng với nhà nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Sẽ bỏ cơ chế nhà nước bù nếu thuế nhập khẩu dưới 7%
Thêm nữa, khi dư luận đặt vấn đề cần sự bình đẳng của thị trường hãy để giá rẻ thì người tiêu dùng, doanh nghiệp đầu mối được phép mua sản phẩm tại nơi đó chứ không phải do Bình Sơn là doanh nghiệp trong nước nên phải hỗ trợ mua sản phẩm của DN này.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, vấn đề bình đẳng ở đây không phải do Bình Sơn quan trọng, mà là sự bình đẳng chung của tất cả các sản phẩm hàng hoá trong đó các sản phẩm xăng dầu do Bình Sơn sản xuất, có nghĩa các sản phẩm trong nước cũng phải được đối xử bình đẳng như các sản phẩm được nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết: Sau khi Hiệp định giữa Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực, chúng tôi chờ Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa cơ chế tài chính phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay và đảm bảo bình đẳng giữa DN trong nước và ngoài nước. Cụ thể, Bộ sẽ trình sửa theo hướng doanh nghiệp Bình Sơn thực hiện nghĩa vụ thuế hoàn toàn theo các Luật thuế, theo quy định của nhà nước hiện nay và bỏ cơ chế nếu thuế nhập khẩu hạ xuống dưới mức 7% thì nhà nước bù./.