Lối đi nào cho tài chính xanh

VOV.VN - Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn để phát triển xanh nhưng ngân hàng vẫn chưa mạnh tay giải ngân vốn do còn một số vướng mắc. Các chuyên gia, doanh nghiệp có những kiến nghị nào để thúc đẩy tín dụng xanh vào nền kinh tế?

Vẫn khó vay vốn       

Để phát triển xanh, doanh nghiệp sẽ phải tăng nhiều chi phí kéo theo lợi nhuận có nguy cơ giảm, trong khi đó, nhu cầu tài chính của doanh nghiệp cần để chuyển đổi xanh tăng cao. Mặc dù vậy, khi đi vay vốn, các tổ chức tín dụng thường hỏi: Có gì thế chấp không, bao giờ trả tiền?

Các ngân hàng có hướng đến cho vay vốn phát triển xanh, tuy nhiên, giữa các yêu cầu của ngân hàng nhiều khi không trùng khớp với mục tiêu hướng đến phát triển xanh của doanh nghiệp nên cuối cùng vẫn không được giải ngân.

Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và hiệp hội lý giải, rào cản cho nguồn tài chính xanh hiện nay phần lớn nằm ở cơ chế chính sách. Cụ thể, khung pháp lý còn chung chung, tiêu chí phân loại xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng vẫn chưa rõ ràng, danh mục phân loại xanh chưa được ban hành, tiêu chí chưa thống nhất, cơ chế ưu đãi về thuế phí với các sản phẩm tài chính xanh chưa hoàn thiện, khung pháp lý hiện nay gần như chưa có, các hoạt động chủ yếu mang tính tự phát.

TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, NHNN đã có thông tư về phát triển tín dụng xanh từ năm 2015. Mặc dù đã nhận thức được về chính sách, quan điểm về tài chính xanh ở nước ta đã kéo dài gần chục năm nay nhưng để triển khai vẫn còn một số điểm nghẽn.

"Ở các nước trên thế giới, khi đưa ra chính sách về chuyển đổi xanh thì việc đầu tiên là đưa ra tiêu chí xanh làm nền tảng. Nước ta làm trước nhưng tiêu chí thì nghiên cứu sau, đó là điểm nghẽn. Đưa chính sách nêu lên thì dễ nhưng để phù hợp với điều kiện của Việt Nam để xây dựng trong từng mảng thì phải có quá trình nghiên cứu vì có những điều kiện của ta khác họ", TS. Trần Du Lịch chỉ rõ.

Đến nay, tổng dư nợ tín dụng xanh mới chỉ chiếm chưa đến 5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, gần 40% khoản tín dụng này cung cấp cho năng lượng tái tạo, hơn 30% cho nông nghiệp.

Vay vốn quốc tế

Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Agris) cho biết, thời gian qua, việc tiếp cận tín dụng xanh từ các NHTM khó khăn nhưng doanh nghiệp của bà vẫn vay được vốn từ các định chế tài chính quốc tế để sản xuất xanh.

Bà My chia sẻ, việc tiếp cận với các nguồn vốn xanh từ các định chế tài chính quốc tế không quá phức tạp, chỉ cần có chiến lược dài hạn để triển khai hằng năm, từng bước cải tiến sản xuất hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh từ từ. Hiện nay, các định chế tài chính quốc tế muốn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp xanh nhưng họ mong muốn cam kết lâu dài từ các doanh nghiệp thay vì cung cấp các khoản vay ngắn hạn.

"Về tài chính xanh thì phải nói tới chuyện đầu tư dài hạn và bền vững nên các cấp và các định chế tài chính đang mong muốn tham gia làm sao để nó không phải là một khoản vay ngắn hạn mà được chiết khấu về lãi suất mà là một khoản vay cần sự kiên nhẫn về mặt đầu tư dài hạn. Bởi vậy, khi tiếp xúc với tài chính xanh, nó không giảm phát thải tức thì mà đảm bảo lộ trình giảm từ 5-10 năm. Nếu chúng ta hoàn thành được thì sẽ được hưởng lợi từ chi phí tài chính đó", bà Đặng Huỳnh Ức My cho hay.

Bà Đặng Huỳnh Ức My đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận được với các gói tài chính xanh quốc tế, đáp ứng các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc và hoạt động nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM chia sẻ, NHNN tiên phong trong sự phát triển của tín dụng xanh bằng các cơ chế chính sách, có 3 nhóm chính sách với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó có giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực từ vốn nước ngoài.

"Bình thường nguồn vốn nước ngoài có ưu điểm là trung dài hạn, có thể là lãi suất hợp lý nữa nhưng cũng có nhiều điều kiện ràng buộc. Trong bối cảnh cần khai thác tốt các nguồn vốn thì tôi nghĩ tận dụng nguồn vốn từ các định chế tài chính rất tốt. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn vốn nội lực đó là vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại", ông Nguyễn Đức Lệnh nói.

Nhanh chóng hoàn thiện thể chế

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, hiện nay, các ngân hàng đã và đang đón đầu trong xu hướng phát triển xanh. Mặc dù bộ tiêu chí, khung pháp lý về tín dụng xanh chưa hoàn thiện nhưng vẫn có trường hợp các ngân hàng vẫn đánh giá hiệu quả và đã triển khai cho vay một số gói tín dụng xanh.

Tuy vậy, để phát triển lâu dài, vẫn cần có hệ thống tiêu chí sẽ làm minh bạch thị trường, giảm tối đa mức độ rủi ro, mở rộng tăng trưởng tín dụng. Khi có đầy đủ khung pháp lý, NHTM mới có thể đánh giá chính xác các dự án, hạn chế rủi ro. Bởi vậy, chính phủ đang từng bước hoàn thiện chính sách.

"Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Thông tư 17 về hướng dẫn quản trị rủi ro môi trường trong các hoạt động tín dụng xanh. Hiện nay, gần như 100% các tổ TCTD đã xây dựng quy trình nội bộ về tín dụng xanh rồi. Và đã có 17 tổ chức tín dụng đã thành lập bộ phận chuyên môn, có con người chuyên quản lý về rủi ro tín dụng xanh", ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm.

Các quốc gia trên thế giới làm tốt đều có vai trò hỗ trợ đắc lực từ nhà nước, khi đưa ra chính sách về chuyển đổi xanh thì đưa ra tiêu chí xanh làm nền tảng. Ở các nước trên thế giới, chuyển đổi xanh thông thường nằm trong ưu đãi tín dụng, mà ưu đãi thì phải minh bạch ở quy định.

TS Trần Du Lịch nhận định, trong thời đại số, không có thị trường theo kiểu nhà nước đứng ngoài mà chỉ có chủ thể là doanh nghiệp, nhà nước với các vai trò khác nhau, nước ta cũng phải sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách: "Phía ngân hàng tuy có nỗ lực nhưng để tạo được hành lang pháp lý và hệ thống an toàn cho cả đối tượng vay, tổ chức tín dụng,… và những hỗ trợ nhà nước trong từng mảng một thì cần có một hệ thống chính sách đồng bộ hơn nữa như các nước đã làm. Chúng ta không thể làm rời rạc như hiện nay".

Tương tự, GS.TS Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM kiến nghị, nhà nước cần sớm hoàn thiện bộ tiêu chí chung về chuyển đổi xanh cho cả ngân hàng – doanh nghiệp – nhà nước. Các tiêu cần rõ ràng để doanh nghiệp nhỏ cũng phải biết hoạt động nào là xanh, phù hợp với chuẩn mực của thế giới.

Sau khi có cơ chế, cần xây dựng hoàn thiện chính sách để ưu đãi về mặt lãi suất, thuế phí phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Sẽ có những trường hợp tiêu chí ngân hàng và đăng ký doanh nghiệp không trùng nhau nên cần có cơ chế giám sát. Thậm chí, trong tương lai sẽ phải có lĩnh vực pháp luật về xanh, chuyên gia hàng đầu về xanh hay cơ chế giải quyết tranh chấp về xanh.

Đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh

Trong 8 năm qua (2017 - 2024), dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực kinh tế xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 20%/năm. 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng bình quân hơn 22% mỗi năm, đạt gần 637.000 tỷ đồng vào cuối quý 1/2024. 

Đến ngày 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

 

Đẩy mạnh trái phiếu, cổ phiếu xanh

TS Trần Du Lịch cho biết, tại Việt Nam, phần lớn nguồn vốn trung dài hạn được cấp bởi ngân hàng thương mại. Trong khi hỗ trợ ngân sách cũng chỉ có một mức độ nhất định.

Bởi vậy, cần xây dựng công pháp lý thúc đẩy thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh trên thị trường vốn. Đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tự huy động vốn dưới hình thức cổ phiếu, trái phiếu để giảm việc mà trung gian qua các TCTD cũng như tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp ngoài ngân hàng có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu xanh. 

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm lớn tới tài chính xanh thông qua việc ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như Nghị định 06/2022, Quyết định 01/2022, và Thông tư 17/2022. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tháo gỡ vướng mắc, tạo đột phá để xanh hóa, số hóa nền kinh tế
Tháo gỡ vướng mắc, tạo đột phá để xanh hóa, số hóa nền kinh tế

VOV.VN - Hiện nay, tình hình chuyển đổi kép (kết hợp giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số) tại nước ta còn chưa phát triển mạnh do gặp nhiều vướng mắc, cần các giải pháp để tạo đột phá trong việc xanh hóa và số hóa nền kinh tế để nâng cao chất lượng, phát triển bền vững.

Tháo gỡ vướng mắc, tạo đột phá để xanh hóa, số hóa nền kinh tế

Tháo gỡ vướng mắc, tạo đột phá để xanh hóa, số hóa nền kinh tế

VOV.VN - Hiện nay, tình hình chuyển đổi kép (kết hợp giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số) tại nước ta còn chưa phát triển mạnh do gặp nhiều vướng mắc, cần các giải pháp để tạo đột phá trong việc xanh hóa và số hóa nền kinh tế để nâng cao chất lượng, phát triển bền vững.

Thay đổi thói quen sử dụng phương tiện, hướng đến giao thông xanh tại Cần Giờ
Thay đổi thói quen sử dụng phương tiện, hướng đến giao thông xanh tại Cần Giờ

VOV.VN - Huyện Cần Giờ là nơi thí điểm phát triển giao thông xanh đầu tiên tại TP.HCM. Việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện của người dân là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, để phát triển giao thông “xanh” ở Cần Giờ, cần có sự đồng bộ, tháo gỡ những điểm nghẽn ngay từ khi bắt đầu.

Thay đổi thói quen sử dụng phương tiện, hướng đến giao thông xanh tại Cần Giờ

Thay đổi thói quen sử dụng phương tiện, hướng đến giao thông xanh tại Cần Giờ

VOV.VN - Huyện Cần Giờ là nơi thí điểm phát triển giao thông xanh đầu tiên tại TP.HCM. Việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện của người dân là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, để phát triển giao thông “xanh” ở Cần Giờ, cần có sự đồng bộ, tháo gỡ những điểm nghẽn ngay từ khi bắt đầu.

Nhiều giải pháp đẩy vốn vào nền kinh tế
Nhiều giải pháp đẩy vốn vào nền kinh tế

VOV.VN - Đến hết tháng 7 năm nay, tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng cả nước đạt trên 15 triệu tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, để đưa nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh, cần nhiều giải pháp đồng bộ, đảm bảo hài hòa các bên, đồng thời các ngân hàng đẩy mạnh nâng cao chất lượng tín dụng để tạo ra giá trị thực, tăng trưởng bền vững.

Nhiều giải pháp đẩy vốn vào nền kinh tế

Nhiều giải pháp đẩy vốn vào nền kinh tế

VOV.VN - Đến hết tháng 7 năm nay, tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng cả nước đạt trên 15 triệu tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, để đưa nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh, cần nhiều giải pháp đồng bộ, đảm bảo hài hòa các bên, đồng thời các ngân hàng đẩy mạnh nâng cao chất lượng tín dụng để tạo ra giá trị thực, tăng trưởng bền vững.