Minh bạch sẽ tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai khoáng
VOV.VN - Thời gian qua, ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam tăng trưởng nhanh và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Sáng 10/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản: Giải pháp nào cho Việt Nam?”.
Các tham luận tại hội thảo phân tích các khía cạnh liên quan đến hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản ở Việt Nam, những lỗ hổng chính sách tài chính trong lĩnh vực khoáng sản.
Thời gian qua, ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam tăng trưởng nhanh và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Theo Tổng cục Địa chất Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm này, thu ngân sách từ khai thác khoáng sản là khoảng 500 tỷ đồng, dự kiến, cả năm nay sẽ thu được từ 1.500 đến 2.000 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản cho biết: Trước đây chúng ta xin cấp phép khai thác khoáng sản rất dễ dàng. Khi được giấy phép, bắt đầu có thị trường buôn bán ngầm. Chúng tôi nỗ lực cản trở nhưng không cản được vì chính sách của chúng ta quá sơ hở cho nên dẫn đến tình trạng bán ngầm giấy phép, trao đi đổi lại, buôn đi bán lại”.
Các chuyên gia nhận định để giải quyết những hệ lụy về môi trường cũng như nâng cao hiệu quả đóng góp từ lĩnh vực khai thác tài nguyên, Việt Nam cần cân nhắc xây dựng những giải pháp mang tính tổng thể hơn, hướng tới minh bạch ngành khai khoáng.
Trong bối cảnh hiện tại, việc gia nhập sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác được xem như một giải pháp tối ưu. Ông Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài Chính cho rằng: “Theo tôi phải có giá tính thuế hợp lý và quản lý được sản lượng khai thác để tránh thất thoát. Quản lý sản lượng đã được tăng cường hơn tuy nhiên chưa thật sự minh bạch. Nếu không có cơ chế rõ ràng rất dễ dẫn đến tiêu cực trong thanh tra, kiểm tra, xác định mức độ sai phạm của doanh nghiệp khai thác. Chúng ta cần tăng cường công khai minh bạch về trữ lượng, tổng sản lượng khai thác, tổng sản lượng xuất khẩu và giá trị tương ứng. Bên cạnh đó cần dành tỷ lệ nhất định cho thế hệ tương lai”./.