Mô hình phát triển nào cho ngành công nghiệp TP.HCM?
VOV.VN - TP.HCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) với tổng diện tích 3.900 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Các KCX-KCN đã thu hút được hơn 1.680 dự án, giá trị xuất khẩu mỗi năm đạt khoảng 7 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 280.000 lao động.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều KCX-KCN cũng bộc lộ hạn chế. TP.HCM đang lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia để xây dựng Đề án “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 và và tầm nhìn 2050”.
Phát triển công nghiệp "kinh tế tuần hoàn"
TP.HCM có 2 dạng khu công nghiệp là khu công nghiệp hiện hữu và khu công nghiệp thành lập mới. Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, khu công nghiệp hiện hữu tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành nên chuyển đổi dần sang dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ. Với các khu công nghiệp thành lập mới ở khu vực vùng ven, TP.HCM nên xây dựng khu công nghiệp kiểu mới, theo hướng sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn.
Muốn kiến tạo lại không gian phát triển mới của các khu công nghiệp xanh, TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, TP.HCM phải quy hoạch lại hạ tầng; định vị lại sản xuất công nghiệp, đó là phát triển công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng cao và kết nối với các địa phương trong chuỗi cung ứng.
“Không gian phát triển công nghiệp mình đã nói mấy năm nay rồi. Tôi đề nghị chúng ta phải có những tiêu chí rõ ràng, trong thu hút đầu tư trong không gian chúng ta kiến tạo lại, để làm cơ sở doanh nghiệp định hướng của Thành phố như vậy để họ đăng ký đầu tư và cũng làm cơ sở để các đơn vị họ cấp phép đầu tư” - TS. Huỳnh Thanh Điền nói.
Đồng quan điểm với TS. Huỳnh Thanh Điền trong thúc đẩy, phát triển công nghiệp xanh, ông Phạm Văn Việt-Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết: Doanh nghiệp có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu nên ông hiểu rất rõ quy định khắt khe về các tiêu chí carbon, tiêu chí xanh của thị trường này.
Doanh nghiệp ủng hộ TP.HCM thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản xuất sản phẩm xanh. Tuy nhiên, Thành phố cũng nên bổ sung danh mục các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may.
“Tôi đề nghị Thành phố tái khởi động lại, bổ sung danh sách công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Công nghiệp hỗ trợ cho chúng tôi không chỉ làm quần áo mà hỗ trợ làm vải, làm nguyên phụ liệu. Đợt vừa rồi, chúng tôi phải qua Trung Quốc, Nhật, Thái Lan tìm các thiết bị để làm ra sản phẩm đó nhưng cũng không có. Những sản phẩm tạo ra thời trang thì rất cần công nghiệp hỗ trợ” - ông Phạm Văn Việt nói.
Cần chính sách từ Trung ương
Còn ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải cho rằng: Cần phải có chính sách mới từ Trung ương để cởi “chiếc áo chật” cho công nghiệp của TP.HCM. Chúng ta phải tư duy rằng, phát triển công nghiệp không phải cho Thành phố mà cho cả khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, TP.HCM nên Thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp. Trung tâm này có thể cung cấp và hỗ trợ về kỹ thuật lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao cho doanh nghiệp ở khu vực phía Nam.
“Thành phố rất quyết tâm để sắp xếp, quy hoạch lại các khu công nghiệp thì đề nghị phải thành lập khu công nghiệp chuyên ngành. Doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển chuỗi cung từ Trung Quốc sang vào khu công nghiệp của chúng ta thì gõ cửa 1 đầu mối là có hết chứ không phải đi nhiều nơi tìm đặt khuôn mẫu, sản xuất nhựa, lắp ráp…. rất mất thời gian. Chúng ta kết nối các nhà máy lại đi vô một khu công nghiệp thì có đầu mối” - ông Phạm Văn Tài nêu ý kiến.
TP.HCM thấy rõ những hạn chế trong phát triển công nghiệp thời gian qua. Thành phố đang xây dựng chính sách để thực hiện Đề án Chuyển đổi các KCN - KCX giai đoạn 2023 – 2024, gồm các khu công nghiệp: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu. Từ đó, TP.HCM sẽ rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, lộ trình, giải pháp chuyển đổi các khu công nghiệp cũ còn lại. Thành phố tái cơ cấu các khu công nghiệp cũ theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh.
Về định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp, đáp ứng xu thế phát triển của thế giới. Xây dựng các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để tạo ra giá trị sản xuất mới, đóng góp lớn hơn cho sự tăng trưởng của Thành phố"./.