Thương hiệu "xanh"- xu hướng và lợi ích cho doanh nghiệp
VOV.VN - Theo các chuyên gia, để tiếp tục tăng trưởng thương hiệu quốc gia, các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam phải gắn với sự phát triển xanh. Đây là xu thế chung khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến hàng hóa, dịch vụ bảo vệ môi trường, có ích với cộng đồng.
Diễn ra đến hết ngày hôm nay 23/4, tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2023 là "điểm hẹn" của cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và lựa chọn giải pháp tối ưu xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp vươn tầm quốc tế.
Theo các chuyên gia, để tiếp tục tăng trưởng thương hiệu quốc gia, các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam phải gắn với sự phát triển xanh. Đây là xu thế chung khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến hàng hóa, dịch vụ bảo vệ môi trường, có ích với cộng đồng.
Hiện nay, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Theo các chuyên gia, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định như CPTPP, EVFTA… bởi những hiệp định thương mại này đều có những quy định cao về tiêu chuẩn môi trường. Vì vậy, thực hiện tốt sản xuất xanh cũng là một cơ hội để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu hay Nhật Bản…
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Điều phối Dự án phát triển bền vững Tập đoàn TH cho rằng: "Chiến lược xanh chắc chắn sẽ là một chiến lược kinh doanh bài bản mà các doanh nghiệp cần có sự nỗ lực, cam kết theo đuổi. Xuyên suốt trong tất cả các hoạt động kinh doanh của chúng tôi từ những ngày đầu thành lập, thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh đã nằm trong chiến lược của chúng tôi ngay từ giây phút đầu tiên".
Sau đại dịch, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang có thay đổi lớn, người tiêu dùng quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe khi ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, dán nhãn “xanh” “sạch” được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định: "Chúng ta phải thay đổi sản phẩm nhưng mà phải tính đến yếu tố công nghệ, tính đến yếu tố xanh. Như vậy, không chỉ là thay đổi quản trị mà lại thay đổi sản phẩm. Tôi phải nói hiện nay, nếu khái niệm về sản phẩm phải có 3 yếu tố thì mới gọi là sản phẩm hoàn chỉnh.
Một sản phẩm như chúng ta vẫn làm là sản xuất ra cung ứng, chất lượng truyền thống nhưng hiện nay, đòi hỏi thêm là tương tác tức thời tới thị trường, tới khách hàng, điều này thì công nghệ số hoàn toàn có thể cho phép chúng ta làm. Thứ hai gắn với bắt nhịp xu thế xanh này, tức là những giải pháp kèm theo sản phẩm của mình, những đặc tính, những giải pháp ấy để cho người tiêu dùng tin rằng, cảm nhận được và khi người ta dùng thì đúng như thế.
Tất cả có xu hướng mới mà chúng tôi nói xu hướng mới, người ta hay nói một chữ xanh, nói đầy đủ là xanh, an toàn, nhân văn và nếu các tầng lớp trung lưu, lớp trẻ, người ta lại còn đòi hỏi một chút là cá tính hóa".
Thực tế cho thấy thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa./.