Năm bứt phá của nông sản Sơn La
VOV.VN - 17.500 tấn quả các loại đã được Sơn La xuất khẩu ra thế giới, tổng giá trị nông sản xuất khẩu hàng trăm triệu USD.
Năm 2018, sản xuất nông nghiệp của tỉnh miền núi Sơn La có những bứt phá ngoạn mục. Giá trị tăng thêm của ngành ước đạt 7.300 tỷ đồng, tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trên 115 triệu USD, vượt hơn 40% kế hoạch đã đề ra.
Để có kết quả này, Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị các cấp tập trung chỉ đạo, thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch của trung ương và tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là công tác quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Nông sản xuất khẩu bứt phá
Đến thời điểm này, 17.500 tấn quả các loại đã được Sơn La xuất khẩu ra thế giới, tổng giá trị nông sản xuất khẩu hàng trăm triệu USD. Đây thực sự là con số trong mơ của tỉnh miền núi này qua các năm. Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, Sơn La là vùng có chuyển mình ngoạn mục! Một số huyện như Yên Châu chẳng hạn, đây là vùng đất trồng xoài rất tốt, trước đây cây xoài không được chú trọng. Nhưng sau khi xác định được điều kiện phát triển triển xoài thuận tiện, vụ xoài của Yên Châu vừa rồi đã cho thắng lợi cực kỳ lớn.
Khách mua sản phẩm nhãn Sơn La tại Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. |
Trước đây, xoài Yên Châu, hay bơ, chanh leo, thanh long, nhãn ở các huyện Mai Sơn, Mường La, Mộc Châu, Sông Mã… của Sơn La chỉ quẩn quanh với thị trường trong tỉnh, trong huyện, thậm chí là “vườn nhà”. Nhưng đến nay, các sản phẩm quả của Sơn La đã vươn ra thế giới!
Năm 2018, xoài đã xuất khẩu 3.500 tấn sang thị trường Úc, Trung Quốc, cho giá trị 1,75 triệu USD; nhãn: 5.000 tấn sang thị trường, Trung Quốc, Hoa Kỳ, xuất chào hàng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, cho giá trị hơn 11 triệu USD. Chanh leo, thanh long, chuối của Sơn La… khoảng 4.800 tấn xuất sang các nước Trung Quốc, UAE, hiện đang tiếp tục chào hàng đi Pháp, Australia.
“Chanh leo là cây trồng mới hoàn toàn nhưng đầu ra hoàn toàn yên tâm vì có công ty thu mua để xuất khẩu” - anh Hà Tiến Chiến ở bản Puôi, xã Huy Tân, huyện Phù Yên phấn khởi cho biết.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả
Chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc là chủ trương lớn của Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn La. Từ khi chủ trương này được bà con hưởng ứng, diện tích cây ăn quả của Sơn La đã tăng nhanh chóng, đến nay là 57.439 ha.
Nhằm góp phần nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tỉnh Sơn La đã chú trọng công tác thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản và xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản. Trong năm 2018, tỉnh đã phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng 6 nhà máy chế biến nông sản tại các huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Thuận Châu, Vân Hồ; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư cho các nhiều dự án rau, hoa quả công nghệ cao tại Mộc Châu...
Trung tâm trải nghiệm hoa quả tỉnh Sơn La ở Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). |
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức thành công Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn Sơn La tại Showroom Trung tâm trải nghiệm hoa quả Sơn La- Bằng Tường tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Chuỗi sự kiện Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018 tại Siêu thị Big C, siêu thị Hapromart, siêu thị Lotte, Trung tâm Xúc tiến thương mại – Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Hà Nội…
“Tôi rất vui mừng, sung sướng vì được trải nghiệm nhiều loại trái cây ngon và đặc biệt mà ở Hàn Quốc không có. Riêng quả Bơ thì ở Hàn Quốc cũng có nhưng quả nhỏ và rất đắt. Trong tương lai, tôi muốn chế tạo ra loại máy chế biến quả bơ tại Sơn La và Việt Nam để có thể nhập khẩu về Hàn Quốc” - ông Mun Kuen, Công ty thương mại Quốc tế Việt Nam- Hàn Quốc nói.
Mục tiêu đến năm 2020, Sơn La sẽ nâng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 100.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 500.000 tấn quả tươi để phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Để đạt các mục tiêu này, Sơn La sẽ tiếp tục tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhất là sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương.
“Tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đàm phán mở cửa thị trường để một số sản phẩm như nhãn, xoài, chanh leo, bơ của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường 1 số nước như Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia... Trên cơ sở đó Sơn La tập trung xuất khẩu được các sản phẩm lợi thế của địa phương” - ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cho biết.
Cấp ủy vào cuộc, đồng hành cùng nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, cải tạo vườn tạp đang mang đến sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tái cơ cấu ngành trồng trọt của Sơn La. Giờ đây, những vườn chanh leo, nhãn, xoài… trĩu trịt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, có nơi hàng tỷ đồng không còn là hiếm. Rất nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La đang trở thành triệu phú, tỷ phú trên chính mảnh đất quê hương./.
Hiệu quả từ mô hình trồng cây ăn quả tập trung ở Sơn La
Sơn La: Khai mạc ngày hội văn hóa, thể thao và ngày hội cam Phù Yên