Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với khó khăn, thách thức mới
VOV.VN - Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua (24/7) thừa nhận nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức mới, đồng thời cho biết sẽ thúc đẩy điều chỉnh chính sách để ứng phó, như tập trung kích cầu, hỗ trợ kinh tế tư nhân và tạo việc làm.
Các phân tích, đánh giá và định hướng chính sách kinh tế mới nhất vừa được Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 24/7 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Hội nghị chỉ rõ, “hoạt động kinh tế hiện nay đang đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, chủ yếu do nhu cầu trong nước suy giảm, một số doanh nghiệp vận hành khó khăn, các lĩnh vực trọng điểm tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường bên ngoài phức tạp khắc nghiệt”.
Hội nghị cũng cho rằng, Trung Quốc đã chuyển đổi từ phòng chống Covid-19 về trạng thái bình thường một cách bình ổn, nhưng sự phục hồi của nền kinh tế vẫn đang trong quá trình “phát triển dạng sóng” và gập gềnh. Tuy nhiên, hội nghị khẳng định, nền kinh tế nước này vẫn có tiềm năng và khả năng chống chịu mạnh mẽ, các yếu tố cơ bản cải thiện về dài hạn không thay đổi.
Hội nghị cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Trung Quốc sẽ tăng cường điều tiết chính sách vĩ mô, chú trọng khơi thông sức cầu trong nước, vực dậy niềm tin, phòng ngừa rủi ro, không ngừng thúc đẩy các biện pháp cải thiện nền kinh tế, nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế về chất và hợp lý về lượng.
Theo đó, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ tích cực mở rộng kích cầu trong nước, phát huy vai trò nền tảng của tiêu dùng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ mạnh mẽ đổi mới khoa học công nghệ, nền kinh tế thực và phát triển doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, tối ưu hóa môi trường phát triển của doanh nghiệp tư nhân; tăng cường bảo vệ sinh kế của người dân và đưa việc ổn định việc làm lên tầm cao chiến lược.
Giữa tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã thông báo tình hình phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm, trong đó quý II/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả này có được là do cơ sở so sánh thấp bởi quý II/2022 tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,4% vì tác động của các đợt phong tỏa Covid-19, đồng thời thấp hơn so với nhiều dự báo của các chuyên gia.
Trong khi đó, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ở Trung Quốc đạt kỷ lục 21,3% trong tháng 6, mức cao nhất kể từ khi có số liệu thống kê. Doanh thu bán lẻ tháng 6 cũng chỉ tăng 0,23% so với tháng 5, một dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình vẫn cẩn trọng trong chi tiêu. Lĩnh vực bất động sản cũng gặp khó khăn, khiến đầu tư tài sản cố định chỉ tăng 0,4% trong tháng 6 so với tháng 5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay lạm phát ở nước này trong tháng 6 là 0%, một dấu hiệu của tăng trưởng kinh tế đình trệ và giảm phát.
Trung Quốc chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023, tuy nhiên Thủ tướng Lý Cường ngay từ đầu năm đã dự báo đây không phải mục tiêu dễ thực hiện.