Ngân hàng Việt thu phí thẻ ATM: Ngạc nhiên chưa?
Phần lớn các ngân hàng đều hỗ trợ miễn phí mở tài khoản hay mở thẻ nhưng số lượng phí thu trên các dịch vụ khác là không hề nhỏ.
Nhiều người nước ngoài đều rất ngạc nhiên khi biết được thông tin các ngân hàng ở Việt Nam mặc dù hỗ trợ miễn phí mở tài khoản hay mở thẻ nhưng số lượng phí thu trên các dịch vụ khác là không hề nhỏ.
Những năm gần đây, thực hiện chính sách, chủ trương về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các nhà băng đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau, khuyến khích người dân mở tài khoản, giao dịch qua thẻ, tăng hệ thống điểm chấp nhận thẻ (POS)… số lượng thẻ ngân hàng gần đây đã tăng lên đáng kể.
Các ngân hàng thu phí hàng loạt khi sử dụng thẻ ATM.
Trên thế giới đặc biệt là ở các nước phát triển dịch vụ thẻ thì Thẻ ghi nợ nội địa được tạo điều kiện khá nhiều về các biểu phí, hệ thống chấp nhận thẻ, khuyến khích người dân thanh toán qua tài khoản ngân hàng của mình.
Vì vậy người dân tại đây rất ít khi sử dụng tiền mặt, mọi người thường có thói quen dùng thẻ để thanh toán. Nếu cần tiền mặt để chi tiêu cho những phát sinh hàng ngày có thể rút tiền tại các cây ATM hoặc ngân hàng nhưng không mất một khoản phí nào. Còn tại Việt Nam hầu hết người dân đều chỉ sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt.
Anh Tô Xuân Đại, du học sinh chương trình thạc sĩ tài chính tại London, nước Anh chia sẻ trên Annt.vn cho biết: “Mình học ở đây thường ít khi sử dụng tiền mặt, khi mua hàng hóa thực phẩm trong siêu thị hay mua sắm ở trung tâm thương mại, mọi người có thói quen dùng thẻ để thanh toán hơn. Nếu mình cần tiền mặt để chi tiêu cho những phát sinh hàng ngày có thể rút tiền tại các cây ATM hoặc ngân hàng nhưng không mất một khoản phí nào”.
Theo anh Đại, khi bắt đầu mở tài khoản tại Lloyds Bank, phía ngân hàng cấp một mã riêng để theo dõi chi tiêu hàng ngày trên internet. Dịch vụ e-Banking như Internet Banking hay Mobile Banking rất phổ biến và hoàn toàn miễn phí.
Thật vô dụng khi mang theo một cái thẻ chỉ để rút tiền, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt rất phổ biến, một phần do các ngân hàng thúc đẩy sử dụng qua biểu phí rất ưu đãi. Qua đó, Nhà nước lại dễ kiểm soát các dòng tiền hay nộp thuế của người dân. Anh Đại rất bất ngờ với quy định số dư tiền để duy trì tại tài khoản được các ngân hàng Việt Nam đang áp dụng.
Cô Jenifer Nguyễn, hiện đang sinh sống ở bang Florida, Mỹ cũng cho biết thêm: “Bên này tụi nhỏ (con gái cô) sẽ tự làm thêm rồi chi tiêu bằng thẻ hết, nếu bố mẹ có cho tiền sẽ chuyển qua tài khoản hàng tháng. Còn chi phí sinh hoạt cũng chi trả bằng các dịch vụ trên mạng của ngân hàng chứ không ai rảnh mà đến tận nhà thu đâu”.
Hay theo một du học sinh tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản cho biết: “Hiện tại anh đang sống trong khu nhà dành cho sinh viên đạt học bổng của trường nên được miễn phí tiền nhà, các chi phí sinh hoạt sẽ tự chi trả bằng tài khoản ngân hàng Mitsubishi. Nhà trường yêu cầu đóng tiền hàng tháng qua tài khoản ngân hàng này, mỗi tháng hết bao nhiêu họ rút trực tiếp từ tài khoản của mình luôn, ko cần phải đến nhà thu chỉ cần hợp đồng thống nhất giữa hai bên.”
Ngoài tài khoản ở Mitsubishi, anh còn sử dụng tài khoản của Ngân hàng bưu điện Nhật Bản- ngân hàng thông dụng nhất do các dịch vụ rút tiền, chuyển tiền đều miễn phí 24/24. Các ngân hàng khác như Mitsubisi hay Sumitomo cũng có biểu phí ưu đãi cho các dịch vụ trong khoảng thời gian từ 8h45 -21h hàng ngày, ngoài ra, mỗi lần rút sẽ mất khoản phí là 108 Yên (khoảng 20.000 đồng), mức rút tối đa là 30 Man (khoảng 60 triệu đồng).
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các ngân hàng áp dụng nhiều khoản thuế phí đối với chủ thẻ ATM sẽ dẫn đến hiện tượng người dân thay đổi thói quen dùng ATM.
Thay vì, mỗi tuần rút tiền vài lần, mỗi lần rút một ít để thực hiện các giao dịch nhỏ lẻ hằng ngày thì họ sẽ rút một lượng tiền lớn đủ để chi phí cho một khoảng thời gian dài nhằm tốn ít phí. Như vậy việc đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN sẽ hoàn toàn thất bại./.