Ngành dệt may nâng cao giá trị bằng công cụ sở hữu trí tuệ
VOV.VN - Sở hữu trí tuệ là công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may chưa thực sự nhận thức rõ vai trò của sở hữu trí tuệ. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, nếu không có nhận thức đúng về công cụ sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp ngành dệt may nội có nguy cơ mất thương hiệu ngay trên sân nhà, chưa kể đến những khó khăn, thách thức khi muốn xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài.
Nếu không tận dụng được các lợi thế, các doanh nghiệp ngành dệt may nội có nguy cơ mất thương hiệu ngay trên sân nhà. (Ảnh minh họa: Internet)
Ngành dệt may đang là một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam trong xu thế hội nhập hiện nay và góp một doanh số lớn trong GDP, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho khoảng 3 triệu lao động.
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tính đến nay, có đến 19 trong tổng số gần 50 công ty thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và không có bất cứ đăng ký bảo hộ nào về sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.
Tổng Công ty May 10 là một trong những đơn vị đầu tiên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam có ý thức sớm về vai trò của thương hiệu và đã đăng ký bảo hộ thương hiệu ngay từ năm 1992. Tuy nhiên, đơn vị này cũng chưa đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế cho sản phẩm của mình.
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 lý giải: “Chúng tôi biết câu chuyện đăng ký và bảo hộ kiểu dáng thiết kế hay kiểu dáng công nghiệp là một trong những yếu tố quyết định để bảo vệ thương hiệu trước các đối tượng làm nhái. Nhưng phải nói thật là sản phẩm thời trang là một sản phẩm rất đặc thù. Mỗi một mùa có thể ra đến hàng trăm loại mẫu mã khác nhau. Để đăng ký cho hàng trăm, hàng ngàn mẫu hay sản phẩm như thế, thứ nhất liên quan đến phí, thứ hai là việc xác nhận và thứ ba liên quan đến tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường chậm.”
Ông Thân Đức Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 |
Ông Nguyễn Sỹ Phương, Trưởng ban kỹ thuật công nghệ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, chỉ riêng với thị trường nội địa hơn 90 triệu dân, việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ như bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… không chỉ giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn bảo vệ được quyền lợi của chủ sở hữu hợp pháp khi có tranh chấp phát sinh. Thêm vào đó, khi doanh nghiệp có chỗ đứng nhất định trên thị trường, nhờ vào công cụ sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong quá trình chuyển nhượng thương hiệu trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sỹ Phương cũng thừa nhận, hiện nhiều doanh nghiệp dệt may Việt vẫn có tâm lý tập trung mạnh vào bán hàng và phân phối hơn là xây dựng thương hiệu và định vị doanh nghiệp. Ngoài ra, hiểu biết của người tiêu dùng về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa còn hạn chế… nên cũng làm giảm động lực xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.
“Ngành dệt may Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức ngay tại thị trường nội địa khi áp lực về giá cả, chất lượng và mẫu mã sản phẩm từ phía khách hàng, người tiêu dùng ngày càng lớn. Không những thế doanh nghiệp dệt may nội còn chịu sức ép cạnh tranh từ những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt phân khúc sản phẩm dệt may giá rẻ bị Trung Quốc chiếm lĩnh. Hàng nhập lậu, hàng nhái kém chất lượng tràn lan trên thị trường, được gắn mác hàng Việt Nam, ảnh hưởng các doanh nghiệp sản xuất dệt may chân chính,” ông Phương cho hay.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hàng hóa của nước ngoài vào trong nước và hàng hóa trong nước xuất khẩu ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn, thì vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là điều bắt buộc các doanh nghiệp phải nghĩ đến.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bô Khoa học và Công nghệ.Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, dệt may cũng như các sản phẩm hàng hóa khác đều có thể bị làm giả, làm nhái ở trong nước và quốc tế. Khi đó, sở hữu trí tuệ chính là công cụ hữu dụng để bảo vệ cho doanh nghiệp.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bô Khoa học và Công nghệ |
“Doanh nghiệp cần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cả ở trong nước và nước ngoài vì quyền sở hữu trí tuệ chỉ có giá trị trong phạm vi lãnh thổ. Khi đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại các nước sở tại, nếu sản phẩm của doanh nghiệp bị xâm phạm, lúc đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hệ thống luật pháp của nước đó bảo vệ. Sắp tới đây khi TPP chính thức có hiệu lực, vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hàng hóa liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan hoặc những hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, thì các hành vi xâm phạm đó có thể bị xử lý bởi chế tài hình sự. Lúc đó sẽ thật sự phiền phức cho doanh nghiệp,” ông Lâm nói.
Theo Brand Finance, một trong 3 công ty định giá thương hiệu trên thế giới và là công ty duy nhất được cấp chứng chỉ ISO về lĩnh vực này, khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn nếu sản phẩm có thương hiệu. Đã đến lúc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chuyển từ gia công theo mẫu thông số có sẵn sang tự sản xuất và phát triển thương hiệu của mình. Có như vậy, mới tránh được nguy cơ doanh nghiệp dệt may thua ngay trên sân nhà./. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dệt may nhờ sở hữu trí tuệ