Ngành thuế cần giảm căng thẳng cho doanh nghiệp
VOV.VN-Ngành thuế cần giảm căng thẳng cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp thay vì chỉ chú trọng vào thu thuế.
Khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, 71% doanh nghiệp hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2014. Song, trong số nhiều hạn chế, doanh nghiệp và chuyên gia đều kêu gọi ngành thuế hãy đồng hành cùng doanh nghiệp trong chặng đường phát triển, thay vì mới chỉ tập trung vào thu và truy thu thuế như lâu nay.
Doanh nghiệp thờ ơ với cải cách hành chính thuế?
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho biết, thực hiện nghiên cứu đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với việc thực hiện và cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2014, nhóm nghiên cứu của VCCI đã chọn gần 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh thành để gửi mẫu khảo sát. Tuy nhiên, chỉ liên lạc được với 9.577 doanh nghiệp (gần 50%).
Kiểm tra thuế (Ảnh minh họa: KT) |
Lý do con số kết nối được “èo uột” như vậy, theo ông Tuấn, “doanh nghiệp không liên lạc được có thể do họ đã thay đổi địa chỉ, số điện thoại chưa được cập nhật hoặc cập nhật chưa chính xác vào hệ thống của Tổng cục Thuế”.
Đáng buồn là, trong số các doanh nghiệp liên lạc được, chỉ 2.542 doanh nghiệp trả lời phiếu khảo sát của VCCI, tức chỉ đạt 27% so với mẫu chọn. Đáng chú ý, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM chỉ đạt 20% và 23% phản hồi.
Sự thiếu hợp tác này, theo ông Tuấn, do “quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế là nhạy cảm. Hầu như khi nói cơ quan thuế đến với doanh nghiệp, người ta thường nghĩ ngay đến quan hệ về tiền nong. Do đó, điều tra về thuế, doanh nghiệp sẽ phải nghĩ tương đối nhiều, không phải dễ dàng gì mà doanh nghiệp trả lời khảo sát”.
Liên quan đến sự “thiếu hợp tác” này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam, cho biết: Có ý kiến đặt vấn đề rằng, tại sao bao nhiêu năm không làm cải cách mà đợi đến thời điểm này (2014-2015) mới có “đột phá”? Bà Cúc giải thích: Trong số nhiều lý do, đáng buồn là do sự thờ ơ của doanh nghiệp đối với những khảo sát. Ngay như khảo sát của VCCI này cho thấy, TP HCM và Hà Nội là nơi có nhiều doanh nghiệp nhất, tỷ lệ phản hồi lại rất ít.
Hay gần đây khi Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương triển khai tập huấn Nghị quyết 19 cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề nộp thuế. Nhưng khi tới địa bàn Hà Nội, buổi sáng đến thì đã thiếu người, buổi chiều thì gần như các chuyên gia nói cho nhau nghe, còn các cơ quan liên quan và doanh nghiệp bỏ về hơn phần nửa. “Vậy đó là gì? Đó là sự thờ ơ”- bà Cúc nhấn mạnh.
Cho nên, theo bà Cúc, khi các bộ ngành, và Chính phủ làm thì mới là cải cách về thể chế ở lý thuyết. Còn thực tế phải xuống tận doanh nghiệp để khảo sát xem họ được hưởng thụ cải cách đó như thế nào. Tuy nhiên, “khi chúng tôi đến doanh nghiệp đặt vấn đề với doanh nghiệp để khảo sát thì một số doanh nghiệp rất ngại và nói “em xin chị, cho em hai chữ bình yên”. Vì thế, theo bà Cúc, nói cải cách thế nào cần phải xuất phát từ hai phía.
Cần giảm căng thẳng cho doanh nghiệp
Phản biện lại ý kiến của bà Cúc, ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cho rằng: Vấn đề cải cách hành chính nhà nước đã được đề ra từ năm 2001. Không hiểu tại sao, đến năm 2014-2015 mới có sự chuyển biến tương đối rõ nét của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính về cải cách thủ tục hành chính thuế.
Do đó, ông Vũ Quốc Tuấn đặt vấn đề: “Thực tế, bao nhiêu năm không chuyển biến, nhưng chỉ thời gian ngắn gần đây đã giảm được 370 giờ thủ tục thuế, phải chăng vì có sự vượt tuyến của Thủ tướng Chính phủ làm việc trực tiếp với Tổng cục Thuế nên mới giảm nhanh như thế? Vì thế, giờ ta nên rút ra kết luận, bài học để làm tốt hơn thời gian tới, thay vì quy trách nhiệm cá nhân...”
Từ thực tế của doanh nghiệp, ông Trương Đình Vấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt may Châu Giang (Hà Nam) cho rằng, giảm thời gian thủ tục hành chính thuế như đột phá vừa qua là tốt, nhưng chưa đủ. Cần phải làm sao giảm căng thẳng cho doanh nghiệp.
Cần đồng hành với doanh nghiệp
Cơ quan thuế không chỉ đóng vai trò cưỡng chế, xử phạt mà cần đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp. Về mặt lâu dài bền vững, thời gian tới, ngành thuế cần phát triển hệ thống đại lý thuế, cơ quan thuế trung gian để hướng tới dịch vụ hóa. Họ có nghiệp vụ, kỹ năng, thông tin thì sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình”- ông Đậu Anh Tuấn, VCCI.
Như vậy, “chúng tôi không sai phạm lần đầu mà cả quá trình rồi nhưng không biết và không được nhắc nhở” - ông Vấn bức xúc. Từ đó, ông Vấn cho rằng: “Yếu kém nhất của ngành thuế hiện nay là chưa đồng hành với doanh nghiệp mà mới chỉ tập trung thu thuế chứ chưa giúp đỡ để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế. Nếu như cán bộ thuế chỉ cho chúng tôi thiếu sót ngay từ đầu thì sẽ không để xảy ra như vậy”./.