Ngành vận tải biển tiến gần thỏa thuận về giá carbon toàn cầu
Các nhà đàm phán tại Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) - một cơ quan thuộc Liên hợp quốc - đang tiến gần hơn đến việc đạt được thỏa thuận về cơ chế định giá carbon toàn cầu cho ngành vận tải biển.
Trong cuộc họp tuần trước (kéo dài từ ngày 23-27/9) tại London (Anh Quốc), số quốc gia ủng hộ áp dụng thuế carbon đối với khí thải nhà kính từ tàu biển đã tăng lên 39 nước, so với 34 nước hồi tháng 3/2024.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 15 quốc gia thành viên IMO phản đối hoặc ưu tiên các biện pháp yếu hơn như tập trung vào tiêu chuẩn nhiên liệu. Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục diễn ra tại London tuần này trong khuôn khổ Ủy ban bảo vệ môi trường biển (MEPC) của IMO, nhằm đạt được sự đồng thuận lớn hơn về thiết kế cụ thể của cơ chế này.
Đây là những cuộc đàm phán cuối cùng trước cuộc họp vào mùa xuân 2025, khi các quốc gia dự kiến sẽ thống nhất về một cơ chế chung. IMO đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận về thuế carbon và các biện pháp giảm phát thải khác vào tháng 4/2025, với việc thông qua cuối cùng dự kiến vào cuối năm 2025.
Ngành vận tải biển hiện chiếm khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu và con số này dự kiến sẽ tăng đáng kể nếu không có hành động. Vào tháng 7/2023, các quốc gia thành viên IMO đã cam kết đưa lượng khí thải từ vận tải biển về mức "zero ròng" vào khoảng năm 2050, với các mục tiêu giảm phát thải trung gian cho năm 2030 và 2040.
Các vấn đề còn đang được thảo luận bao gồm cách phân phối nguồn thu từ thuế carbon. Các phương án được đề xuất gồm sử dụng nguồn thu để thúc đẩy việc áp dụng nhiên liệu và công nghệ phát thải bằng không tiên tiến, hoặc hỗ trợ nỗ lực giảm carbon của ngành vận tải biển ở các nước đang phát triển.
Các nỗ lực giảm carbon dự kiến sẽ ảnh hưởng đến đội tàu thế giới nói chung và tất cả các quốc gia thành viên IMO, nhưng các nước kém phát triển nhất và các đảo quốc nhỏ dự kiến sẽ chịu tác động lớn nhất. Một đánh giá tác động toàn diện tập trung vào các quốc gia này đã được chuẩn bị và sẽ được thảo luận trong cuộc họp MEPC tuần này.