Ngư dân Quảng Ngãi khó tiếp cận vốn vay đóng tàu lớn
VOV.VN - Việc thành lập các tổ chức bảo lãnh tín dụng, vay vốn ủy thác để ngư dân có điều kiện tiếp cận vốn vay là cần thiết.
Đóng tàu công suất lớn vươn ra khơi xa là ước mơ của nhiều ngư dân. Tuy nhiên, cuộc mưu sinh trên biển rất khó để bà con tích cóp tiền tỷ đóng tàu công suất lớn, nếu như không có sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng.
Thực tế diễn ra tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, do không tiếp cân được vốn vay từ các ngân hàng nên ngư dân đành phải vay nóng bên ngoài, sản phẩm làm ra không đủ để trừ nợ.
Ngư dân cần nguồn vốn lớn để đóng tàu đánh bắt xa bờ. (Ảnh: KT) |
Cách đây 4 năm, hai anh em Lục Nghiêm Minh và Lục Nghĩa Thành ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi góp vốn 2 tỷ đồng sắm 2 chiếc tàu đánh cá gần bờ, hoạt động chưa đầy 2 năm thì một chiếc bị tàu nước ngoài bắt giữ, chiếc còn lại hư hỏng nặng.
Sau sự cố, quỹ “Tấm lưới nghĩa tình" của tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ anh em Lục Nghiêm Minh và Lục Nghĩa Thành 200 triệu đồng, nhưng số tiền đó không đủ để anh Minh đóng mới tàu. Trong khi nợ ngân hàng chưa trả hết nên 2 anh em đành phải đi bạn cho các chủ tàu để kiếm tiền trả nợ.
Hầu hết ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi mới khởi nghiệp thường dễ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, bởi khi đó họ còn tài sản để thế chấp. Đến khi tàu bị nạn hoặc hư hỏng thì rất khó tiếp cận vốn vay.
Một khi không còn tài sản thế chấp, ngư dân đành phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao. Không ít trường hợp chấp nhận vay tiền từ các đầu nậu thu mua hải sản. Với hình thức này, mỗi chuyến biển về họ chỉ được quyền bán cho chủ đầu nậu, đơn giá sản phẩm do đầu nậu quyết định.
Chính vì vậy, việc thành lập các tổ chức bảo lãnh tín dụng, vay vốn ủy thác để ngư dân có điều kiện hơn trong việc tiếp cận vốn vay là cần thiết. Ông Trần Em, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, số tiền đóng một con tàu rất lớn nên việc vay vốn ngân hàng để đóng mới, sửa chữa chỉ còn khoảng 30% nên nhiều người phải vay nóng bên ngoài./.