Nguy cơ tái nghèo ở các huyện miền núi Quảng Nam sau bão lũ

VOV.VN - Năm nay, dịch bệnh, bão lũ thiên tai liên tiếp khiến người dân tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam vốn đã khó khăn lại càng khó khăn, nguy cơ tái nghèo là điều khó tránh khỏi.

Cuộc sống của đồng bào Cơ Tu nơi miền biên cương xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam những năm qua còn không ít khó khăn, nhưng đã có nhiều đổi thay. Từ chuyện học hành của con trẻ đến xây dựng công trình nước sạch, đường giao thông dẫn về các buôn làng, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững đều có bước khởi sắc.

4 năm trước, gia đình ông Pơ Loong Duah, người dân tộc Cơ Tu, xã A Xan, mạnh dạn vay vốn tín dụng cho người nghèo trồng được gần 2 hecta keo. Cây sắp đến kỳ thu hoạch, mở ra cơ hội thoát nghèo. Nhưng bão số 9 vừa qua đã làm gãy đổ một nửa diện tích rừng keo, làm gia đình ông đang có nguy cơ tái nghèo.

Ông Duah cho biết, không chỉ một mình gia đình ông, cả xã A Xan đều chung mối lo như vậy: “Mưa bão vừa qua, tất cả nhà cửa, vườn tược nhà tôi hư hại hết, bị sạt lở, đất đá vùi lấp không còn gì. Muốn khôi phục để sản xuất cũng không được. Trong nhà neo người làm, vợ chồng tôi đau ốm liên miên, mỗi con dâu làm lụng không đủ ăn, khó khăn trăm bề. Năm nay không còn gì ăn”.

Tại huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, nhiều gia đình vừa được Chương trình 135 cho vay vốn chăn nuôi đàn gia cầm phát triển sản xuất hy vọng thoát nghèo. Nhưng trận lũ lịch sử hồi giữa tháng 10 vừa qua đã cuốn phăng đi tất cả. Bà Bùi Thị Xuân ở thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang bàng hoàng khi nhắc trận lũ lịch sử, đất đá từ trên ngọn núi cao ập xuống gần như vùi lấp kín ngôi nhà. Trang trại với hàng trăm con gia cầm và lợn, gà, bò cùng toàn bộ hồ nuôi ếch, cá của cả 2 vợ chồng bà gây dựng mấy chục năm qua cũng bị nước lũ cuốn sạch. Bà Xuân xót xa không biết cả gia đình sẽ bắt đầu lại từ đâu.

“Mình nuôi lợn, nuôi gà, bò thì còn vài con, vịt xiêm 50 con, ếch nuôi mấy trăm con và cá thì bị trôi hết. Nước thì không vô nhà nhưng cát tràn hết vào, nhà thì sụp. Chuồng lợn, chuồng gà giờ bị sụp hết rồi, làm lại không nổi nữa”, bà Xuân nói.

Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, cuộc sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Năm nay, những trận mưa lũ liên tiếp gây ngập úng dài ngày làm đất đá, đồi núi sạt lở. Hơn 1.000 ngôi nhà bị sập, gia súc, gia cầm, đất nông nghiệp cũng bị vùi lấp.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, các hộ dân ở địa phương còn nhiều khó khăn, nay do tác động của mưa lũ nên nguy cơ tái nghèo hiển hiện.

“Bây giờ tài sản mất hết. Những thôn, bản bị bồi lấp và sạt lở hoàn toàn hầu như cũng không còn gì, tư liệu sản xuất cũng không còn, nên tái nghèo là điều rõ ràng. Huyện cũng tính phương án đảm bảo đời sống cho người dân là phải dự trữ lương thực đủ 1 tháng. Trong khoảng thời gian đó, bà con tự giác sản xuất. Nhà nước cố gắng đảm bảo cho đến khi tình hình trở lại bình thường. Thời gian tôi nghĩ chắc cũng phải rất lâu”, ông Nguyễn Văn Thanh cho hay.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Nam cao gấp 1,6 lần so với mức bình quân chung của cả nước, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 40%. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tại nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là nghiên cứu những cách làm thoát nghèo hiệu quả, bền vững cho người dân miền núi. Tận dụng các nguồn xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, phát huy vai trò của ngân hàng chính sách xã hội trong thực hiện hỗ trợ vay vốn, giúp người dân có “cần câu” để chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo ông Lê Trí Thanh, trước tình hình sạt lở núi, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường như hiện nay, từ năm sau trở đi tỉnh Quảng Nam sẽ bố trí sắp sếp dân cư miền núi theo một mô hình mới, phù hợp với tập quán, văn hoá của đồng bào, giúp họ thoát nghèo ổn định cuộc sống.

 “Kế hoạch trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phải tiếp tục sắp xếp dân cư cho khoảng 10.000 hộ dân ở khu vực miền núi Quảng Nam. Tuy nhiên, với diễn biến tình hình thiên tai gần đây cho thấy rằng, ngoài việc tham khảo kinh nghiệm của người dân thì phải có ý kiến của các nhà khoa học trên cơ sở tác động của các khu vực xung quanh, những nguy cơ về tai biến địa chất, những đặc điểm về thời tiết thuỷ văn có thể diễn biến phức tạp… phải đảm bảo bền vững và lâu dài”, ông Lê Trí Thanh cho biết thêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Một giải pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả tại Điện Biên
Một giải pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả tại Điện Biên

VOV.VN - Sau 11 năm hoạt động, chương trình tín dụng vi mô “Anh chị em” ngày càng phát huy hiệu quả góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. 

Một giải pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả tại Điện Biên

Một giải pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả tại Điện Biên

VOV.VN - Sau 11 năm hoạt động, chương trình tín dụng vi mô “Anh chị em” ngày càng phát huy hiệu quả góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. 

Chủ tịch WB: Xóa nghèo mà không ngăn tái nghèo thì vô nghĩa
Chủ tịch WB: Xóa nghèo mà không ngăn tái nghèo thì vô nghĩa

VOV.VN-Ông Jim Yong Kim: Các chính phủ cần tập trung vào tăng trưởng kinh tế, đầu tư vào con người, và phải bảo đảm thành quả đó để tránh rủi ro tái nghèo.

Chủ tịch WB: Xóa nghèo mà không ngăn tái nghèo thì vô nghĩa

Chủ tịch WB: Xóa nghèo mà không ngăn tái nghèo thì vô nghĩa

VOV.VN-Ông Jim Yong Kim: Các chính phủ cần tập trung vào tăng trưởng kinh tế, đầu tư vào con người, và phải bảo đảm thành quả đó để tránh rủi ro tái nghèo.

Lo ngại gia tăng khoảng cách giàu - nghèo tại Việt Nam
Lo ngại gia tăng khoảng cách giàu - nghèo tại Việt Nam

VOV.VN - Báo cáo của VCCI và WB cho thấy, người dân lo ngại sự gia tăng về khoảng cách giàu – nghèo ở Việt Nam.

Lo ngại gia tăng khoảng cách giàu - nghèo tại Việt Nam

Lo ngại gia tăng khoảng cách giàu - nghèo tại Việt Nam

VOV.VN - Báo cáo của VCCI và WB cho thấy, người dân lo ngại sự gia tăng về khoảng cách giàu – nghèo ở Việt Nam.