Nhiều Bộ, ngành không muốn rời xa doanh nghiệp “sân sau“?
VOV.VN - Đai biểu Quốc hội Leo Thị Lịch cho rằng, vì "lợi ích nhóm", nhiều Bộ ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi là "sân sau".
Phát biểu tại Nghị trường sáng nay (28/5), đai biểu Quốc hội (ĐBQH) Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) đề cập đến tình trạng chậm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ.
"Nhiều Bộ ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi là sân sau. Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi một số cơ quan quản lý Nhà nước vừa "đá bóng, vừa thổi còi", bà Leo Thị Lịch nêu thực tế.
ĐBQH Leo Thị Lịch (Ảnh: Quochoi.vn) |
Theo bà Lịch, bảo toàn vốn doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn chỉ bảo tồn vốn, tài sản trên sổ sách còn giá trị thực tế giảm nhiều lần, có đơn vị gần như mất hết.
Bà Leo Thị Lịch đề nghị: Chính sách khấu hao cần nghiên cứu lại để "vốn bỏ ra tương đương một chiếc ôtô thì 10 năm sau số vốn đó vẫn phải đủ giá trị để mua chiếc xe tính năng tương đương".
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 cũng cho thấy, việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DNNN đã được đề ra từ lâu nhưng còn lúng túng, chưa có cơ chế thực hiện rõ ràng.
Lo mất vai trò sau cổ phần hóa
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ ra rằng, sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương còn có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn có hiện tượng né tránh trách nhiệm, còn tư tưởng lo lắng mất lợi ích của Bộ, ngành, địa phương, mất vị trí, vai trò cá nhân sau cổ phần hóa.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn) |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ rõ: Chế độ đãi ngộ đối với người quản lý doanh nghiệp chưa thỏa đáng, một số cán bộ sa sút về trách nhiệm, vi phạm pháp luật, tham nhũng, đã làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Cơ chế theo dõi, đánh giá, kiểm tra cán bộ chưa thực sự được chú trọng. Có trường hợp có biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm khi nhận xét, đánh giá người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp./. Quốc hội lo thất thoát tài sản công, yêu cầu quản lý chặt vốn nhà nước
“Chủ nghĩa thành tích” khiến cổ phần hoá DNNN chưa đạt hiệu quả