Nợ xấu sẽ ở mức 3% nếu tập trung xử lý
(VOV) -Để giải quyết nhanh nợ xấu, không riêng gì hệ thống ngân hàng mà các bộ, ngành phải chung tay giải quyết.
Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, TS. Trần Hoàng Ngân – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời báo chí về xử lý nợ xấu.
PV: Thưa ông, với cách nhìn của nhà kinh tế, tại sao vấn đề xử lý nợ xấu phải được giải quyết càng sớm càng tốt?
Ông Trần Hoàng Ngân:
Nợ xấu là điểm ghẽn giống như trên đường có lô cốt. Nếu giải quyết được nó thì kinh tế phát triển trở lại, vì nền kinh tế còn rất nhiều tiềm năng phong phú. Nợ xấu được giải quyết thì mạch máu trên cơ thể kinh tế lưu thông tốt.
Nguyên nhân nợ xấu do lỗi của người cho vay, của người đi vay, kinh doanh đa ngành, phần lớn tập trung vào bất động sản. Năm 2008 đã đổ rồi, nhưng chúng ta cố gắng giữ nó lại, bằng cách năm 2009 có gói kích cầu, nhà đầu tư tưởng có sự hưng phấn nên tiếp tục đầu tư vào bất động sản. Cuối cùng thì bong bóng bất động sản xẹp và nợ xấu lại xấu thêm.
Bây giờ, nhiều ma thuật trong giấu nợ xấu, do đó nên số liệu đánh giá nợ xấu không chuẩn.
Vấn đề của chúng ta hiện nay là phải tập trung giải quyết nợ xấu để đạt tăng trưởng theo dự kiến của IMF năm 2013 khoảng 5,9%; ADB là 5,7%.
Ông Trần Hoàng Ngân: Vấn đề ở chỗ là mình chưa minh bạch, khi minh bạch thì mới góp phần tái cấu trúc ngân hàng thành công. Vì khi đó, chúng ta biết ngân hàng nào cần hợp nhất, sáp nhập, quốc hữu hóa. DN cũng vậy, sẽ biết DN nào cần giải thể, phá sản, thì phải tách bạch nợ xấu.
Nếu chúng ta giải quyết được nợ xấu thì hàng hóa, tiền tệ sẽ lưu thông dễ dàng hơn. Thực tế hiện nay ngân hàng không cho vay được nhưng vẫn cạnh tranh huy động vốn. Đó là chưa giải quyết được nợ xấu.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng cần thành lập một cơ quan độc lập giải quyết nợ xấu. Theo ông, cơ quan này sẽ được hình thành như thế nào?
Ông Trần Hoàng Ngân: Có thể hình thành Ủy ban giải quyết nợ xấu, trong đó có đại điện của NHNN vì liên quan đến ngân hàng, dính đến tiền; có đại diện của Bộ Tài chính vì nó liên quan đến các dư nợ của các tập đoàn kinh tế; có sự có mặt của Bộ Xây dựng vì liên quan tới đất đai, có đại điện cho Bộ Công an vì có những dự án liên quan tới vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Và một vấn đề quan trọng nữa là bởi chúng ta có sử dụng tiền của dân để xử lý nợ xấu thì phải có Ban kiểm soát. Đó là đại diện của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách giám sát độc lập đối với Ủy ban xử lý nợ xấu. Trong ban này lại hình thành Công ty mua bán nợ.
PV: Công việc tiếp theo của Ủy ban này là gì, thưa ông?
Ông Trần Hoàng Ngân: Việc tiếp theo là chúng ta phải đo lường nợ xấu xem “kích cỡ” thế nào, thể tích, trọng lượng bao nhiêu, và chéo với nhau như thế nào, ràng buộc thế nào. Tiếp đến là thẩm định lại tài sản thế chấp, cầm cố, có đủ để đảm bảo cho nợ xấu này không. Việc thẩm định thông qua bán đấu giá tài sản.
Nếu sau thẩm định mà không ai mua do nền kinh tế thiếu thanh khoản thì công ty mua bán nợ sẽ ứng vốn mua lại tài sản đó để tách nợ xấu ra.
Bước thứ ba là xét đến thiệt hại, vì xử lý nợ xấu phải có thiệt hại, thiệt hại nằm ở chênh lệch dư nợ và tài sản mình đánh giá. Thiệt hại này phải lấy nguồn nào bù? Nguồn bù đắp đầu tiên lấy từ quỹ dự phòng rủi ro từ hệ thống ngân hàng; lấy từ vốn tự có, vốn điều lệ từ hệ thống NH thương mại, qua đó, chúng ta làm rõ ngân hàng nào yếu, ngân hàng nào không còn vốn và đưa ra hợp nhất, sáp nhập, quốc hữu hóa.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể lấy từ vốn tự có của chủ thể có liên quan như người bảo lãnh, người đi vay phải chịu trách nhiệm liên đới về nợ xấu. Trên cơ sở đó, chúng ta tiến hành xử lý nợ xấu. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta tập trung ngay từ tháng 10/11 này, tiến trình xử lý đó sẽ kéo dài, nhưng đến hết Quý II/2013 thì tăng trưởng kinh tế có để đạt được 5,5%-6%, như mong đợi, đánh giá của ADB, IMF.
PV: Vấn đề là với cách làm này chúng ta có thể giảm nợ xấu xuống được 3% như kế hoạch không, thưa ông?
Ông Trần Hoàng Ngân: Nếu chúng ta tập trung xử lý nợ xấu thì chắc chắn tình hình tài chính – tiền tệ của Việt Nam thuận lợi hơn và khi đó khả năng DN tiếp cận vốn dễ hơn, Ngân hàng cho vay dễ hơn. Làm được điều này thì tổng vốn đâu tư toàn xã hội tăng trở lại, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn, việc làm cho người lao động. Nếu tập trung xử lý thì chuyện 3% giải quyết được, vấn đề phải xem đây là nhiệm vụ tập trung hàng đầu, giống như tách khối u để cơ thể khỏe hơn.
PV: Nhưng từ kỳ họp thứ 3 đến nay chúng ta vẫn dừng ở việc bàn luận về nợ xấu, thưa ông?
Ông Trần Hoàng Ngân: Nợ xấu phát sinh từ năm 2008, nên bây giờ chúng ta phải nhìn đúng bản chất, sự thật của nợ xấu. Đó chính là nguyên nhân quan trọng đè nặng lên nền kinh tế, do vậy phải tập trung tài lực, trí lực, sự đồng thuận mới giải quyết được.
PV: Như vậy, phải giải quyết thông qua ngay tại kỳ họp này?
Ông Trần Hoàng Ngân: Tôi rất muốn điều đó.
PV: Nếu xử lý nợ xấu thì số lượng tái cơ cấu, sắp xếp ngân hàng có tăng lên không?
Ông Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, số lượng ngân hàng ít, nhưng mạng lưới chi nhánh rộng thì không vấn đề gì, nhưng sự hợp nhất 2 ngân hàng thì số lượng giảm, chất tăng là điều quan trọng.
PV: Ông có hài lòng về tiến độ tái cơ cấu?
Ông Trần Hoàng Ngân: Hiện nay tái cơ cấu diễn ra rất chậm và khó khăn, nhất là tái cơ cấu ngân hàng. Vì điểm nghẽn này diễn ra quá nhiều năm. Để giải quyết nhanh nợ xấu không riêng gì hệ thống ngân hàng mà các bộ, ngành phải tập trung mới giải quyết được.
PV: Xin cảm ơn ông!