Nuôi tôm thẻ chân trắng có thể lãi 700 triệu đồng/ha
VOV.VN -Cả xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ (TP HCM) có hơn 100 hộ áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận từ 100 triệu đến hơn 3 tỷ đồng/năm.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trở thành “xương sống” trong công tác xây dựng nông thôn mới của địa phương. Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực của thành phố, hàng ngàn hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, vẫn còn những khó khăn cần được giải quyết.
Người nuôi lãi khoảng 700 triệu đồng/ha
Tại xã Lý Nhơn, xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Cần Giờ, trong tất cả các tiêu chí về nông thôn mới mà xã đạt được, tiêu chí về thu nhập của người dân là ấn tượng nhất. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Lý Nhơn chỉ hơn 13 triệu đồng thì sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của địa phương này đã tăng gấp 2,4 lần, đạt mức 38,2 triệu đồng/người/năm. Sự thay đổi đó có phần từ nuôi tôm thẻ chân trắng.
Nuôi tôm thẻ chân trắng, nếu thuận lợi, lợi nhuận cho người nuôi khoảng 700 triệu đồng/ha Ảnh minh họa: KT)
Điển hình như gia đình ông Trần Minh Luấn ở ấp Lý Thế Bửu. Nhờ trúng 5 vụ tôm liên tiếp trên diện tích 6 ha, gia đình ông đã trả hết nợ ngân hàng, xây được nhà lầu, mua được xe hơi và có 3 tỷ đồng gửi ngân hàng. Ông Luấn cho biết: Chính quyền địa phương đã giúp đỡ về việc cho vay vốn để thả tôm. Còn kiến thức, tự trau dồi, học hỏi lẫn nhau để có thành công.
Cả xã Lý Nhơn có hơn 100 hộ áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận từ 100 triệu đến hơn 3 tỷ đồng/năm. Hiện nông dân ở đây đang nuôi tôm thẻ chân trắng theo hai hình thức chủ yếu là nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. Để đầu tư cho 1 héc ta vuông tôm, từ khâu cải tạo ao, giống, điện nước, thức ăn, nhân công đến khi thu hoạch, người nuôi sẽ tốn từ 700 đến 800 triệu đồng. Với giá bình quân hiện nay là 115 ngàn đồng/kg, nếu thuận lợi, lợi nhuận cho người nuôi khoảng 700 triệu đồng/ha.
Với hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống thủy lợi được đầu tư ngày càng hoàn thiện như ở huyện Cần Giờ, người nông dân đang đứng trước cơ hội lớn để làm giàu từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng này.
Ông Phan Văn Phận, Bí thư Đảng ủy xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ cho biết: Xã và huyện hằng năm có khuyến cáo người dân về thời điểm nuôi để hạn chế rủi ro; đồng thời có dự báo về thời điểm nào bán hàng có giá tốt nhất.
Vẫn có tình trạng nuôi tự phát, thiếu kỹ thuật
Trong 9 tháng năm nay, sản lượng thủy sản nuôi trồng của huyện Cần Giờ đạt gần 18 ngàn tấn, trong đó, thu hoạch từ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 6 ngàn 500 tấn. Tuy nhiên, người nông dân ở Cần Giờ vẫn đang nuôi tôm thẻ chân trắng theo kiểu tự phát, thiếu kỹ thuật và thiếu sự liên kết với doanh nghiệp. Nghề nuôi tôm lại cần sự đầu tư lớn nên bà con nông dân đang bị thiếu vốn, trong khi thủ tục vay ngân hàng lại quá rườm rà.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Bình Lợi, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ cho rằng: “Với mô hình này, tôi mong Nhà nước hỗ trợ cho bà con để nuôi khép kín, nếu cứ nuôi theo kiểu tự phát thì rất bấp bênh, nhất là về thời tiết và nguồn nước. Nếu được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật, bà con sẽ an tâm hơn trong việc đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng”.
Theo quy hoạch đến năm 2020, huyện Cần Giờ sẽ có hơn 6.000 ha diện tích chuyên nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích đất dành cho nuôi trồng thủy sản hàng năm mới chỉ đạt gần 3 ngàn héc ta. Có thể thấy, tiềm năng nuôi trồng thủy sản của huyện còn rất lớn nhưng chưa được khai thác tốt. Trong tình hình hiện nay, mô hình nuôi tôm thẻ có thể là giải pháp hữu hiệu.
Ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản để nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch của thành phố. Thứ hai là đầu tư nhiều hơn công nghệ, kỹ thuật để người dân tiếp cận được nhiều hơn với những mô hình nuôi mới hiệu quả hơn và ít rủi ro hơn. Chúng tôi cũng tạo điều kiện để người dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi khác ngoài các ngân hàng tín dụng, để người dân có nhiều nguồn lực hơn cho mục tiêu sản xuất theo năng lực của từng hộ gia đình”./.