Phát triển KHCN nông thôn: Ưu tiên yếu tố con người
VOV.VN - TS Đặng Kim Sơn đề xuất: Trong khoa học công nghệ, vai trò con người là quan trọng nhất.
Ứng dụng khoa học, công nghệ cho nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam những năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường. Tuy nhiên, nông dân và các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp vẫn cần cơ chế khuyến khích cụ thể hơn từ phía nhà nước.
Kinh nghiệm thực tiễn của một số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, chỉ khi nào được đầu tư một cách bài bản trên cơ sở khoa học mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong vòng 5 năm qua, nước ta đã có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như gạo, gỗ, cao su, cà phê, hạt điều, thủy sản... Kết quả đó nhờ sự đóng góp tích cực của gần 200 quy trình công nghệ được công nhận và ứng dụng trong thực tiễn, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
Trong vòng 5 năm qua, Việt Nam đã có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 USD như gạo, gỗ, cao su, cà phê, hạt điều, thủy sản (Trong sảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu, nguồn: TBKTSG) |
Từ năm 2008 đến nay, công ty nghiên cứu và chuyển giao thành công 30 giống cây mới ngắn ngày, cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt đáp ứng được tiêu chuẩn các nước trong khu vực. Đây là kết quả của sự hợp tác, liên kết với các nhà khoa học và chú trọng đầu tư từ khâu nghiên cứu, sản xuất đến bảo quản hạt giống.
Bà Trần Kim Liên chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học tạo giống giúp cho công tác đào tạo, ứng dụng, chuyển giao và khai thác nguồn gien trong việc tạo giống. Ngoài ra, chúng tôi mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế thông qua các đặc phái viên của các dự án khoa học công nghệ. Đến nay chúng tôi đã có những giống ngô, rau lang, bí xanh… sau 75 ngày có thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mỗi ha. Kể cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng không thể có sản phẩm của chúng tôi. Đây là những đóng góp rất lớn bằng hoạt động khoa học công nghệ”.
Theo phân tích của TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNN), trong vòng 5 năm qua nhiều địa phương đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp một phần quan trọng nhờ đội ngũ các nhà khoa học. Bên cạnh những yếu tố về nguồn vốn, chi phí đào tạo, cơ chế chính sách phù hợp, tương xứng với chất xám, công sức mà các nhà nghiên khoa học bỏ ra cũng cần được chú trọng một cách hợp lý.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đề xuất: Trong khoa học công nghệ, vai trò con người là quan trọng nhất. Các cán bộ sau khi đi học ở các nước có bằng cấp, trình độ cao họ hướng đến cuộc sống đầy đủ. Họ có yêu cầu về nhà cửa, thông tin liên lạc, chính sách bảo vệ bản quyền… nhưng đến nay chúng ta còn bất cập. Do vậy, chỉ đến khi nào các nhà khoa học làm giàu bằng trí tuệ của mình, chúng ta mới có một thị trường khoa học công nghệ hoàn chỉnh”.
Riêng trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học, trong vòng năm năm qua, Nhà nước đã dành hơn 2.100 tỷ đồng để triển khai các dự án giống, hạ tầng thủy sản, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện 3 phòng thí nghiệm trọng điểm…; nhờ đó đã nghiên cứu, chọn tạo được hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, được đưa vào sản xuất. Mặc dù vậy, theo đánh giá các cơ quan chức năng, nông nghiệp nước ta vẫn phổ biến sản xuất manh mún, công nghệ sản xuất chậm được đổi mới, hàm lượng khoa học công nghệ trên sản phẩm thấp so với các nước, chưa thích ứng với biến động của thị trường.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, để khuyến khích hơn nữa các nhà khoa học, nhà nước cần có cơ chế xử lý “đầu ra” đối với các sản phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng cao: “Một bộ phận các đề tài rất cần thiết cho sản xuất nhưng không hiểu vì sao đang nằm trong hộc bàn hay nằm ở đâu đó, trong khi dưới kia đang cần. Vậy tại sao ngay lúc này chúng ta không áp dụng cơ chế tất cả đề tài nghiên cứu nên thực hiện theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp sẽ cùng với bà con tham gia vào đơn đặt hàng này cũng như sẽ có cơ chế tài chính phù hợp”.
Bên cạnh chính sách đầu tư phát triển đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, rõ ràng hơn để kêu gọi các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời Nhà nước (cụ thể là các cấp, các ngành và chính quyền địa phương) phải thực sự là “trọng tài” cho mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp) để thúc đẩy khoa học công nghệ trong nông nghiệp phát triển bền vững./.