Quảng Ngãi: Đất lâm nghiệp bỏ hoang, dân lại thiếu đất sản xuất
VOV.VN-Các lâm trường tại Quảng Ngãi quản lý hàng ngàn hec-ta đất lâm nghiệp nhưng sử dụng rất ít, số còn lại bỏ hoang, còn người dân lại thiếu đất sản xuất.
Huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 2 doanh nghiệp lâm nghiệp là: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân và Lâm nghiệp Trà Bồng. 2 công ty này hiện quản lý gần 6.100 ha đất lâm nghiệp nhưng sử dụng rất ít. Riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trà Tân quản lý gần 2.500 ha đất lâm nghiệp, mới sử dụng 240 ha đất để trồng cây nguyên liệu, chiếm 10% diện tích được cấp. Gần 90% diện tích còn lại bị bỏ hoang. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân nghèo ở các xã Trà Tân, Trà Bùi... lại không có đất sản xuất.
Ông Hồ Văn Vĩ, một người dân ở xã Trà Tân, huyện Trà Bồng cho rằng, nghịch lý này xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa được quan tâm giải quyết. Đất của Công ty lâm nghiệp trồng cây không có hiệu quả. Nhà nước cần lấy lại của lâm trường giao lại cho dân sản xuất canh tác, để xóa đói giảm nghèo cho dân. Dân rất nghèo khổ mà đất bỏ hoang như vậy rất vô lý.
Theo ông Hà Việt Bồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, những năm gần đây, giá keo cao nhưng người dân không có đất, nên đã lấn chiếm đất để trồng keo, quế. Xã đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên cũng chưa được giải quyết rốt ráo. Mong cấp trên có biện pháp chuyển đổi, thu hồi lại đất của lâm trường và cấp sổ đỏ để người dân canh tác có hiệu quả.
Thiếu đất sản xuất, người dân lấn chiếm đất của lâm trường, từ đó xảy ra nhiều vụ tranh chấp đất đai ngày càng phức tạp. Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “UBND huyện đã trình UBND tỉnh thu hồi lại để giải quyết cho dân sản xuất. Đề nghị tỉnh sớm quan tâm cho thực hiện công tác thu hồi sớm để huyện chủ động xây dựng phương án ưu tiên đất sản xuất cho người dân thiếu đất trên địa bàn”.
Không riêng gì huyện Trà Bồng mà hơn 60% diện tích đất lâm nghiệp do 5 công ty nông lâm nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi quản lý hiện đang bị bỏ hoang. Câu chuyện thừa- thiếu đất sản xuất đã và đang gây ra nhiều vụ tranh chấp kéo dài, ngày càng thêm phức tạp./.