Quốc hội và Tổng thống Mỹ so găng đối với dự luật dẫn dầu Keystone XL
VOV.VN -Tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo 2 giai đoạn và khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ Canada tới Nam nước Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner hôm qua (13/2) đã ký thông qua dư luật cho phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL gây tranh cãi. Dự luật này vốn được cả hai viện Quốc hội Mỹ thông qua trước đó, song lại vấp phải sử phản đối gay gắt của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông Boehner nói: “Dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL là một ý tưởng tuyệt vời cho nền kinh tế Mỹ và cho nước Mỹ. Các thành viên của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều biết rõ điều đó. Các nghị sĩ đã đặt chính trị ra ngoài lề để cùng thông qua dự luật quan trọng này. Dự án Keystone không chỉ là một đường ống dẫn đầu mà nó là cả cuộc sống đối với những công nhân xây dựng Mỹ. Vì vậy ngài Tổng thống hãy làm điều đúng đắn, hãy giúp chúng tôi tạo thêm nhiều việc làm cho nước Mỹ, giúp nền kinh tế Mỹ vững mạnh hơn.”
Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều lần đe dọa phủ quyết, Hạ viện Mỹ ngày 11/2 đã thông qua quyết định cuối cùng cho phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, nhằm vận chuyển dầu thô từ Canada tới các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Trước đó hai tuần, Thượng viện Mỹ cũng đã có động thái tương tự. Tuy nhiên, dự luật vẫn chưa nhận đủ đa số 2/3 phiếu ủng hộ theo luật định để có thể trở thành luật mà không cần tổng thống phê chuẩn.
Ngay trong tối 11/2 vừa qua, văn kiện trên đã được trình lên Tổng thống Obama, và ông chủ Nhà Trắng sẽ có 10 ngày để xem xét và quyết định có ký ban hành luật hay không. Tuy nhiên, đông đảo dư luận và giới phân tích dự đoán đây sẽ là dự luật lớn đầu tiên bị ông Obama phủ quyết kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng, đồng thời đánh dấu “trận so găng” đầu tiên trong lĩnh vực lập pháp giữa chính quyền và Quốc hội do phe Cộng hòa nắm toàn quyền kiểm soát.
Dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada Corp của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008 với vốn đầu tư 7 tỷ USD. Với tổng chiều dài 3.462 km chạy qua 6 bang của Mỹ, tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn và khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu ở Canada tới các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ.
Các nhóm hoạt động về môi trường ở cả Mỹ và Canada phản đối vì lo ngại dự án này sẽ phá hủy môi trường và hệ sinh thái những nơi nó chạy qua. Trong khi đó, các nhà lập pháp của phe Cộng hòa coi dự án Keystone XL là ưu tiên hàng đầu khi đảng này nắm quyền lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội, cho rằng đây là dự án sẽ giúp tạo thêm việc làm cũng như tăng cường sự độc lập về năng lượng của Mỹ./.