Quy định của Luật Cạnh tranh chưa đi vào cuộc sống?
VOV.VN- Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, các quy định của Luật Cạnh tranh chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Ngày 10/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến dự thảo hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi)”, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, cạnh tranh là công cụ để quản lý. Doanh nghiệp không sợ nhà nước, mà sợ đối thủ cạnh tranh. Đối thủ cạnh tranh có thể khiến doanh nghiệp bị tiêu vong. Vì thế, cạnh tranh chính là đức hạnh của thị trường.
Các đại biểu tại hội thảo đánh giá, Luật Cạnh tranh hiện hành bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với thực tế như: việc xác định thế nào là một doanh nghiệp có vi phạm quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh. Trong đó, gồm cả hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, tập trung kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan...
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, các quy định của Luật Cạnh tranh thực sự chưa đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Ông Tuấn nhấn mạnh, quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh gặp nhiều khó khăn do các quy định của Luật còn cứng nhắc dẫn tới bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm.
Ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc Pháp lý và Chính sách- VPĐD công ty BowerGroupAsia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có pháp luật cạnh tranh nhưng chưa có chính sách cạnh tranh.
Ông Phước nêu rõ, Chính sách cạnh tranh gồm có: các điều kiện gia nhập thị trường, các trường hợp nhà nước hỗ trợ và can thiệp vào thị trường, chính sách cạnh tranh ngành, chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước… Vì vậy, cần có một chương riêng đối với độc quyền hành chính.
Đề cập đến chính sách “khoan hồng” trong Luật Cạnh tranh, ông Phước lưu ý, cần phải chú ý đến câu chữ, “khoan hồng” hay “miễn giảm trách nhiệm”. Quy định miễn trừ, giảm trách nhiệm là không hợp lý.
Ông Phước cũng cho rằng, tập trung kinh tế (việc thâu tóm trực tiếp, gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát doanh nghiệp đó hoặc kết hợp toàn bộ hoặc một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp giữa các doanh nghiệp để cùng kiểm soát doanh nghiệp hình thành sau kết hợp) vẫn giữ lại yếu tố thị phần thì gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Đối với vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, có đại biểu đề xuất là nên chuyển những vụ việc về cạnh tranh sang cho tòa án xử lý./.