Ruble rớt giá, người Việt ở Nga lao đao
Việc kinh doanh và cả cuộc sống sinh hoạt của người Việt ở Nga đang rất khó khăn khi đồng ruble rớt giá mạnh.
Chị Trịnh Thị Quỳnh Ngân, một người sống tại Moscow gần 30 năm nay cho biết, gia đình chị đang bị ảnh hưởng rất lớn trước biến động của đồng ruble.
Là hộ kinh doanh hàng quần áo thể thao, chị Ngân phải nhập hàng từ nước ngoài và đóng phí hải quan bằng đồng USD, trong khi bán ra và tiền cho khách nợ lại bằng đồng ruble. "Khi đồng USD tăng giá, chúng tôi mất đến một nửa tiền, tình hình rất khó khăn", chị Ngân nói.
Người dân Nga thời điểm này tập trung dồn tiền mua sắm các loại hàng xa xỉ như ô tô, hàng điện tử hoặc nhà cửa để tích trữ, họ không mua sắm các loại hàng tiêu dùng như quần áo, nên "việc buôn bán rất ảm đạm".
Đồng nội tệ lao dốc cũng khiến giá cả sinh hoat tăng vọt, các loại thực phẩm như gạo, thịt, bánh mì, rau, đồ uống tăng từ 15-25%. "Cả gia đình tôi sống ở đây, các cháu còn đang đi học, nên bị ảnh hưởng rất lớn", chị nói.
Theo chị Ngân, khi chính phủ tuyên bố tung ra 7 tỷ USD để giữ giá đồng ruble, giá của nó biến động một chút, "tuy nhiên nhiều người vẫn hoang mang, không biết sắp tới ra sao".
Thời điểm năm 1998, khi xảy ra khủng hoảng trong nội bộ Nga, gia đình chị Ngân cũng trải qua thời kỳ khó khăn, thiệt hại lên đến cả triệu USD.
Sinh sống tại tỉnh Chelyabin, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự, do phải đi lấy hàng từ nơi khác nên "lãi chuyến trước không đủ bù lỗ chuyến sau". Giá thực phẩm, chẳng hạn như một chục trứng gà, tăng từ 30.000 ruble lên 50-60.000 ruble những ngày gần đây.
"Mọi người đang cố gắng giữ cuộc sống tối thiểu hàng ngày, khó có thể tích lũy như trước đây", ông Chiến cho hay./.