Sát hạch cấp chứng chỉ môi giới bất động sản phải minh bạch
VOV.VN -Nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng nhất là cần minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới này.
Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Theo đó, các cá nhân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản phải qua kỳ thi sát hạch. Hiện, Bộ Xây dựng đã công bố và đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn chưa được sự đồng tình của các chuyên gia và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện cả nước có khoảng 26.000 người đã được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản(Ảnh minh họa: KT) |
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 26.000 người đã được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản và đang hoạt động trong lĩnh vực này. Trước đây, quy trình cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khá dễ dãi, cá nhân chỉ cần qua mấy chục tiết học tạo các cơ sở đào tạo là đã cấp chứng chỉ để tự do hoạt động. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một thực tế là trong thời gian qua, không ít người môi giới bất động sản hoạt động bát nháo, không có quy chuẩn, thiếu tính chuyên nghiệp, làm ăn kiểu chộp giật, thậm chí còn có tình trạng “cò ảo”, lừa đảo khách hàng.
Quy định bắt buộc phải qua kỳ thi sát hạch mới được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới trong Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã siết chặt việc đào tạo và quản lý hoạt động này. Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn với những nội dung trong dự thảo Thông tư, nhất là tổ chức thi sát hạch, nội dung đào tạo là gì, hình thức ra sao?... Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện có bất cập là việc đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề chưa được tốt. Cho nên, trong thông tư về cấp chứng chỉ, cần làm rõ cơ sở nào đào tạo được, đào tạo như thế nào, chuyên môn gì mới đảm bảo được công việc hành nghề môi giới này.
Theo dự thảo Thông tư, Bộ Xây dựng sẽ là đơn vị đứng ra tổ chức kỳ thi sát hạch, ít nhất mỗi năm một lần tùy theo số lượng thí sinh đăng ký. Nhiều ý kiến lo ngại, thi sát hạch môi giới bất động sản là việc cần làm thường xuyên, liên tục, số người đăng ký dự thi cả nước chắc chắn rất đông.
Luật sư Trương Anh Tuấn, Công ty Luật Smic đề nghị, việc tổ chức thi sát hạch nên giao cho Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố chủ trì, trong Hội đồng thi có đại diện của Bộ Xây dựng, đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Vì môi giới bất động sản gắn rất chặt chẽ với yếu tố khu vực, vùng, miền. Không thể nói rằng một người có chứng chỉ môi giới bất động sản về ngay Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh mà làm tốt được.
Về chứng chỉ hành nghề môi giới, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Cen Group băn khoăn, có nên phân chia chứng chỉ theo từng loại hình bất động sản hay không? Chẳng hạn, chứng chỉ môi giới về văn phòng và trung tâm thương mại, về nhà ở, về bất động sản công nghiệp và du lịch… Ông Phạm Thanh Hưng cũng cho rằng, quan trọng nhất là cần minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện sát hạch. Nếu việc này làm tốt, việc đi luyện thi là tự nguyện và sát hạch thật nghiêm chắc chắn tất cả các nhà môi giới muốn vượt qua kỳ thi sát hạch đều phải đi học.
Đây là lần đầu tiên đặt ra yêu cầu thi sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề đối với đội ngũ môi giới bất động sản, cho thấy quyết tâm chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, để Thông tư này sau khi ban hành sẽ là công cụ pháp lý hiệu quả, Ban soạn thảo cần xem xét, cân nhắc kỹ về các ý kiến đóng góp, phản biện, tránh các quy định thiếu tính khả thi trong thực tế./.