Siết quản lý, đầu tư vốn vào doanh nghiệp Nhà nước
VOV.VN-Dự thảo Nghị định về giám sát, thanh tra… doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật thể hiện điều này.
Thanh tra Chính phủ vừa chủ trì cuộc họp của Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định về giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật. Tai cuộc họp, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... nhằm tăng cường công tác giám sát góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp Nhà nước gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ trong thời gian qua, đại diện các Bộ, ngành đều nhất trí với mục đích của Nghị định nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp; giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ sở hữu kịp thời phát hiện những yếu kém trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Phải tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp (Ảnh: Congly) |
Trên cơ sở đó, xem xét, xác minh, kết luận về nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm đảm bảo vốn chủ sở hữu, vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp được quản lý và sử dụng đúng đắn theo các quy định của pháp luật.
Một số ý kiến phân tích nội dung giám sát hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là nội dung mới đối với ngành thanh tra, đặc biệt là với thanh tra của các Bộ, ngành do đó Dự thảo Nghị định cần làm rõ hơn về nguyên tắc giám sát, kiểm tra, thanh tra để tránh trùng lặp về phạm vi, nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra, thanh tra theo nguyên tắc không làm cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số quy định của dự thảo cũng gây không ít băn khoăn cho các Bộ, ngành. TS Nguyễn Phi Lân, Phó Vụ trưởng Vụ giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu ví dụ: tại Điều 15 và Điều 30 quy định Báo cáo kết quả giám sát được công khai theo các hình thức phù hợp do pháp luật quy định, kết luận kiểm tra phải được gửi và công khai tại trụ sở của doanh nghiệp được kiểm tra.
TS Nguyễn Phi Lân cho rằng, hoạt động của các khối doanh nghiệp ngân hàng là rất nhạy cảm do liên quan đến quyền lợi của nhiều người gửi tiền do vậy cần có quy định cụ thể để tránh những tác động xấu đến hoạt động của ngân hàng.
Ví dụ như Ngân hàng Nhà nước, khi đến thanh tra, giám sát hoặc kiểm tra có phát hiện dấu hiệu sai phạm, có nên công khai tại trụ sở hay không. Vì khi công khai tập đoàn tài chính lớn có dấu hiệu, hiện tượng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động rút tiền của người dân, dẫn đến sụp đổ hàng loạt. Ngân hàng là hoạt động mang tính chất nhạy cảm cao, cần có điều khoản, hoặc quy định, quy chế nào đó để ngân hàng từng bước. Vì nếu chúng ta công khai ngay lập tức thì sẽ có tác động rất là xấu, vì thế quy định quy chế công khai minh bạch thông tin nào đó cần phải phù hợp với luật của ngành ngân hàng”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ khẳng định: để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thì cần công khai những nội dung kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định cũng cần quy định công khai theo hình thức phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp đó.
“Đối với hoạt động đặc thù của Ngân hàng, có tác động rất lớn với công chúng, cân nhắc có thể áp dụng quy định chuyên ngành về ngân hàng, hoặc báo cáo cơ quan thẩm quyền để có căn cứ tiến hành thanh tra, kiểm tra. Vì nếu chúng ta không cẩn thận công khai, sẽ làm hiệu ứng không tốt có thể đổ vỡ cả hệ thống ngân hàng. Chúng tôi cũng cân nhắc chỉnh lý sao cho phù hợp, trong những trường hợp đấy áp dụng pháp luật chuyên ngành để điều chỉnh.”./.