Sự cố "tê liệt" Tân Sơn Nhất: Hà Nội điều hành không lưu như thế nào?

ATCC Hà Nội đã khẩn trương tính toán đường bay, kết nối các khu vực để điều hành hàng chục máy bay đang lượn lờ trên vùng trời khi Tân Sơn Nhất mất điện

Trong 1 tiếng 24 phút mất điện gây gián đoạn hoạt động của Trung tâm kiểm soát đường dài - tiếp cận Hồ Chí Minh (ACC HCM) trưa ngày 20/11, hoạt động điều hành không lưu cho hơn 52 máy bay hoạt động tại vùng thông báo bay (FIR HCM) được Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC Hà Nội) đảm nhiệm.

Nhớ lại thời điểm ACC HCM bị gián đoạn hoạt động, ông Nguyễn Văn Thăng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay, cho biết, khi đó lãnh đạo Tổng công ty đang họp giao ban. Nhận điện thoại từ ACC HCM, cuộc họp lập tức bị đình lại, toàn bộ lãnh đạo Tổng công ty di chuyển đến Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội nằm cách đó khoảng 300 m (đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên).

"Chúng tôi đầu tư ATCC Hà Nội ngay cạnh Tổng công ty nhằm kịp thời ứng phó các trường hợp khẩn cấp mà không phải mất thời gian di chuyển lên ACC Hà Nội tại sân bay quốc tế Nội Bài như hiện nay", ông Thăng cho hay. 

ong-Thang-3648-1417067975.jpg

Ông Nguyễn Văn Thăng giới thiệu lại tình huống điều hành không lưu sau sự cố ngày 20/11.

Tại ATCC Hà Nội, trung tâm kiểm soát không lưu lớn nhất cả nước chưa được chính thức hoạt động (dự kiến hoạt động từ tháng 1/2015), song ngày 20/11 đã được trưng dụng để điều hành bay thay cho ACC HCM.

Căn phòng rộng khoảng 500m2, chia làm 9 phân khu với nhiều thiết bị chuyên dụng. Trên một số màn hình hiển thị vùng FIR Hà Nội và Hồ Chí Minh rộng hơn 1,3 triệu km2. Chỉ vào những điểm sáng trên màn hình, ông Thăng cho biết, khi xảy ra gián đoạn không lưu tại ACC HCM, các kiểm soát viên tại Hà Nội đếm được có 54 máy bay đã vào vùng FIR HCM, đều trong tình trạng cần được dẫn đường khẩn cấp. Trong khi đó, đài chỉ huy Tân Sơn Nhất chỉ có thể hướng dẫn qua điện thoại vệ tinh với những máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay, còn nhiều máy bay ở xa thì phải được điều hành qua hệ thống không lưu. 

"Ban đầu chúng tôi khá lo lắng, song không đến mức hốt hoảng. Từ lãnh đạo đến kiểm soát viên đều bình tĩnh cùng nhau tính toán, ra thông báo, gọi điện đến các trung tâm kiểm soát đường dài lân cận để nhờ hỗ trợ", ông Thăng chia sẻ.

Ông Thăng kể, không khí lúc đó rất căng thẳng bởi chỉ một sơ suất nhỏ sẽ có hậu quả khôn lường. Tổng giám đốc Tổng Công ty quản lý bay Đinh Việt Thắng phải trực tiếp điều hành bay cùng với các kiểm soát viên, khẩn trương tính toán đường bay, ra huấn lệnh thông báo tới các phi công, kết nối với các Trung tâm Kiểm soát đường dài của các quốc gia lân cận gồm Singapore,  Kuala Lumpur, Vientiane, Phnom Penh...

Ông Thăng ví dụ, nhìn trên màn hình, kiểm soát viên thấy một máy bay đi theo luồng từ  Singapore chuẩn bị vào FIR HCM nên đã yêu cầu phía Singapore hướng dẫn cho máy bay này ra ngoài vùng FIR HCM, di chuyển đến một sân bay dự phòng, hoặc quay lại sân bay cũ. Tương tự như các trung tâm không lưu của Campuchia, Lào cũng được yêu cầu hỗ trợ. May mắn là tất cả các cơ sở điều hành phía bạn đều tích cực trợ giúp không lưu của Việt Nam.

Ông Thăng cho biết, công tác kiểm soát không lưu hiệu quả bởi những cán bộ tham gia đều là những người giàu kinh nghiệm, một số người đã viết ra kế hoạch ứng phó không lưu cho những tình huống khẩn cấp nên họ không lúng túng khi xử lý tình huống khẩn nguy này.

Suốt hơn 1 giờ xảy ra sự cố, hơn 10 lãnh đạo và nhân viên của Tổng công ty Quản lý bay đã túc trực tại ATCC Hà Nội. Sau khi ACC HCM có điện trở lại và giành lại quyền điều hành bay, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay chia nhau người ứng trực, người lập tức ra sân bay để trực tiếp vào TP HCM kiểm tra tình hình.

khong-luu-1-4376-1417021567.jpg

Các kiểm soát viên không lưu đang tập huấn trước khi ATCC Hà Nội hoạt động. Ảnh:Đ.Loan

Nhìn lại sự cố vừa qua, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay thừa nhận, đây là một bài học lớn cho công tác điều hành không lưu, từ xây dựng hạ tầng đến đầu tư đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu.

Đề cập về hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại ATCC Hà Nội, lãnh đạo Công ty quản lý bay miền Bắc cho biết, hệ thống này được thiết kế ưu việt hơn ACC HCM, nguồn điện được cấp bởi điện lưới, 2 máy nổ, 4 UPS với thiết kế tách riêng từng nguồn để đảm bảo không bao giờ bị gián đoạn với trung tâm kiểm soát không lưu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên