Mua, bán nợ xấu theo giá thị trường là chuyện không tưởng?
(VOV) -'Cơ sở theo giá thị trường là không có. Đây là chuyện không tưởng vì nợ xấu không có giá thị trường'.
Hiệp hội Ngân hàng hôm nay (26/6) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư hướng dẫn mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý nợ xấu (VAMC).
Ông Trương Thanh Đức, Ban pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng cho rằng nợ xấu sẽ khó có thể xử lý được một cách rốt ráo. Vì ngân hàng cũng chả muốn bán rẻ khoản nợ, còn công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ không mua nếu thấy rủi ro. Và trong dự thảo thông tư, Ngân hàng nhà nước có nêu ra việc sẽ mua theo giá thị trường. Cơ sở theo giá thị trường là không có. Đây là chuyện không tưởng vì nợ xấu không có giá thị trường. Ông Đức dẫn chứng: “Có khoản nợ mà ngân hàng đưa ra giá là 70% cho công ty mua bán nợ và tài sản (Bộ Tài chính) mua. Nhưng công ty này chỉ trả 40% và sau nhiều lần thương lượng thì khoản nợ không thể bán được”.
Chia sẻ những vướng mắc này, ông Vũ Minh Cường: TGĐ Công ty quản lý tài sản của Agribank cho rằng: Trước hết, phải đặt mục tiêu giảm nợ xấu cho các ngân hàng. Giảm nợ xấu thì mới thực hiện được một số chỉ số an toàn và từ đó NH mới tháo gỡ được phần tín dụng. Thứ hai là hỗ trợ cho tình hình khó khăn của DN (khách hàng của TCTD) mà hiện nay có nợ xấu, sản xuất kinh doanh của họ chỉ vì nợ xấu do tình hình khách quan mà đang bị sức nặng đè lên.
Đưa ra nhận xét về các qui định trong dự thảo thông tư, ông Vũ Hữu Bình – Phó phòng quản lý nợ Vietinbank cho rằng: Có quá nhiều biện pháp hành chính. Xử lý nợ xấu mang tầm vĩ mô nhưng trong dự thảo có những biện pháp can thiệp sâu vào hoạt động của các TCTD. Ông Bình dẫn chứng: NHNN buộc các TCTD phải bán nợ. Cơ quan thanh tra, giám sát sẽ thẩm định quá trình mua theo giá thị trường. Ông Bình cho rằng, cơ quan này thực hiện việc giám sát thường xuyên không nhất thiết phải thẩm định trình. VAMC là một pháp nhân độc lập thì công ty này có thể chủ động trình SBV để mua bán nợ.
65% tổng tài sản – nên hiểu theo cách nào?
Điều 9, mục 1, khoản b dự thảo Thông tư qui định: Khoản nợ vay bằng tài sản, trong đó không dưới 65% tổng giá trị tài sản là bất động sản, gồm cả bất động sản dành cho tương lai. Chiếu theo qui định của Agribank, ông Vũ Mình Cường cho rằng, các khoản vay có tài sản đảm bảo có trên 65% là bất động sản thì chỉ có ở các đơn vị kinh doanh bất động sản. Còn đơn vị SXKD cũng có đầu tư vào bất động sản nhưng lại rất tiết kiệm trong việc mua đất, vì họ có thể thuê hoặc vào KCN. Đất thuê có thể 20, 30, 50 năm nhưng họ trả tiền thuê đất từng năm. Cho nên kết cấu lượng tiền nằm trong giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ, chủ yếu họ đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, dây chuyền thiết bị… “Đối với Agribank, nếu theo tinh thần của Thông tư này khả năng giải quyết nợ xấu là rất ít ỏi. Theo thống kê nội bộ, các DN kinh doanh bất động sản của chúng tôi có nợ xấu chỉ khoảng 4.700 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta chưa giải quyết được vấn đề giảm nợ xấu. Theo tôi, tỷ lệ này nên giảm xuống” – ông Cường nói.
Quy định 65% giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản khiến nhiều NH 'kêu' bất khả thi (ảnh Q.T) |
Cùng chung băn khoăn này, ông Bùi Minh Khải - Giám đốc Ban Pháp chế của BIDV cho rằng: Điều kiện trong Nghị định 53 và hướng dẫn trong Thông tư là khá chặt chẽ. Cứ với đà này thì khó đạt mục tiêu mà các TCTD có thể bán được nợ cho VAMC, trong khi mục tiêu chúng ta đề ra rất rõ ràng là làm thế nào để dễ chuyển giao, dễ bán để giảm nợ xấu và mọi chỉ số sẽ tốt hơn.
Với qui định 65% tổng giá trị tài sản là bất động sản, ông Khải cũng tỏ ra băn khoăn. 65% này là dư nợ có tài sản đảm bảo hay 65% giá trị tài sản đảm
bảo. Tài sản này lại được chia ra. Nếu chia như vậy thì rất khó cho các TCTD khi mua bán. Thêm nữa, nếu trong trường hợp là giá trị tài sản đảm bảo thì giá trị ấy được xác định trên cơ sở nào? Một là giá trị khi TCTD đã định giá để cho vay hay là bây giờ VAMC định giá lại tài sản đó. Nếu đưa ra chỉ số 65% thì phải làm rõ những điểm vừa nêu.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó phòng công nợ Vietcombank cho biết: Qua thống kê, tỷ lệ này của VCB chỉ từ 50-60% vì thế dự thảo đưa ra tỷ lệ 65% là không khả thi. VCB đề xuất xem xét không dưới 40% để các TCTD bán được nợ cho VAMC nhiều hơn. Ngoài ra, trong xác định tỷ lệ này, VCB kiến nghị VAMC xác định và thuê công ty định giá tư vấn độc lập.
Ngoài ra, qui định đối với khách cá nhân không thấp hơn 1 tỷ đồng, đại diện Agribank nêu đặc thù của NH mình là cho vay hộ cá nhân chủ yếu là hộ sản xuất. Còn các NH khác thì cho vay cá nhân có thể là hộ kinh doanh. Hộ sản xuất vay 1 tỷ đồng trở lên là rất ít. Vì thế, nếu qui định thế này thì Agribank cũng không thể giải quyết nợ xấu từ khoản vay sản xuất kinh doanh.
Tại Điều 6 của Nghị định 53, liên quan đến việc các TCTD ứng xử với các khoản nợ, các khách hàng đã bán nợ xấu cho VAMC. Khi đó NH được tiếp tục cho vay. Ông Khải đặt giả định trong trường hợp NH đã bán tất cả các khoản nợ xấu cho VAMC và chúng tôi lại tiếp tục cho vay đối với khách hàng này thì câu chuyện cho vay mới này có bị ảnh hưởng? Tức là cho vay ra đương nhiên lại trở thành nợ xấu. “Nếu không hoặc có thì trong thông tư phải đề cập để chúng tôi có giải pháp. Thực tế, có DN bán phần kinh doanh thua lỗ, nhưng mảng khác vẫn còn. Nếu không qui định rõ thì rất khó cho chúng tôi” – ông Khải nói.
Nêu quan điểm về việc có nên cho vay tiếp sau khi mua bán xong nợ xấu hay không, ông Paul - Giám đốc Trung tâm quản lý nợ VIB cho rằng, mục đích để xử lý nợ xấu thì tốt nhưng việc tiếp tục cho vay khách hàng bán nợ cho VAMC là không ổn. “Theo kinh nghiệm của tôi, đây là những khách hàng có lịch sử trả nợ không tốt, không có lý do gì lại cho họ vay lại”.
Ngoài ra, một số ý kiến khác bày tỏ băn khoăn về vai trò, trách nhiệm của VAMC. Liệu bộ máy cua VAMC ở thời điểm này đã đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ? Sau khi cơ cấu lại nợ rồi, VAMC có thông báo lại cho ngân hàng? Nếu cơ cấu nợ không hiệu quả, trách nhiệm sau mấy năm của VAMC như thế nào? Ngoài ra, VAMC cũng cần tách bạch phần nào xử lý về mặt nợ xấu cho các ngân hàng, phần nào là thương mại…/.