Tăng trưởng tín dụng: Dòng tiền bắt đầu chuyển động
VOV.VN - Trong nửa đầu năm nay, chính sách tiền tệ của Việt Nam dù bước đầu được nới lỏng, nhưng hoạt động tín dụng vẫn yếu.
6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ở mức 3,52% so với năm 2013, chưa đạt được như kỳ vọng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng sau nửa chặng đường năm 2014, niềm tin của doanh nghiệp trong nước vào môi trường kinh doanh ngày càng được củng cố, với dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô có nhiều cải thiện, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, nhiều khả năng năm 2014, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức trên 10%. Đây chính là tiền đề để nền kinh tế hướng đến sự tăng trưởng bền vững.
Doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn trong sản xuất, nhu cầu vay vốn thấp khiến tăng trưởng tín dụng thấp. Tính đến cuối tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng mới đạt 3,52% so với cuối năm 2013.
Nguyên nhân tín dụng tăng thấp được Ngân hàng Nhà nước giải thích chủ yếu là do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết: “Tăng trưởng tín dụng thấp cũng có một số nguyên nhân khách quan như sức cầu của nền kinh tế yếu một số cơ chế chính sách về phát triển thị trường về phát triển doanh nghiệp, việc nâng cao tính cạnh tranh minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp và những tác động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy để có thể đưa vốn tín dụng ra thị trường một cách hiệu quả cần có sự phối hợp của các chính sách vĩ mô trong đó có chính sách tài khóa chính sách đầu tư và chính sách đối với các doanh nghiệp”.
Tín dụng tăng chậm trong khi áp lực cạnh tranh cho vay ngày càng lớn. Để giải tỏa khó khăn, các ngân hàng thương mại đang có xu hướng thanh lọc thị trường, tập trung vào những mảng lợi thế để thu hút khách hàng vay nhằm cải thiện nguồn thu. Bên cạnh đó, có thể nói, xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề thời sự đối với tất cả các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, việc xử lý tài sản để thu hồi nợ xấu của ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản các Tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Công ty quản lý tài sản các Tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng trong xử lý tài sản đảm bảo, đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu: “Chúng tôi vẫn tiếp tục xác định nhiệm vụ của mình là bằng mọi biện pháp mua nợ xấu một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, có chất lượng nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn phải tiếp tục tổ chức cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, cho các tổ chức tín dụng và xử lý những khoản nợ này để làm sao với mục đích của mình là mua nợ xấu về VAMC nhưng mà có thể xử lý những khoản nợ xấu này thông qua việc tái cấu trúc các doanh nghiệp”.
Để kích thích tăng trưởng tín dụng, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp đáng chú ý như thí điểm cho vay liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng, thí điểm cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp... Đối với lĩnh vực bất động sản, chương trình sẽ giúp khơi thông dòng vốn, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, hàng tồn kho vật liệu xây dựng. Ðến nay, đã có 4 chuỗi liên kết được khởi động trong lĩnh vực xây dựng và giao thông với tổng mức đầu tư hơn 7.700 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng BIDV, SHB, Vietinbank cam kết cho vay hơn 6.100 tỷ đồng, chiếm 80% tổng vốn đầu tư. Ðối với lĩnh vực nông nghiệp, chương trình cho vay thí điểm sẽ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mô hình cánh đồng lớn; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Vừa qua chúng tôi đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đi khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp trong toàn quốc, và theo kế hoạch chúng tôi sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn 20-30 dự án trọng điểm để tiến hành chương trình. Sau khi xem xét và thống nhất với các Bộ ngành, chúng tôi đã ký hợp tác cho 4 dự án của tỉnh An Giang. Toàn bộ chương trình thí điểm này sẽ được tiến hành từ 1-2 năm và tổng kết rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện các mặt bằng pháp lý kể cả cơ chế tín dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới”.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp cụ thể để khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, xử lý nợ đọng, đưa vốn ngân hàng tới các lĩnh vực được ưu tiên. Tuy nhiên, để lưu thông dòng vốn, thời gian tới, nhà nước cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách và xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm./.