Thái Nguyên - điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài
VOV.VN - Tỉnh Thái Nguyên vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của khu vực trung du miền núi phía Bắc về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Những năm gần đây, với chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, từng bước đưa địa phương vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư.
Đột phá trong thu hút đầu tư
Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2020, toàn tỉnh có 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới, với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 31 triệu USD. Lũy kế đến giữa tháng 9, số dự án FDI trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực là 156, với tổng số vốn đăng ký đạt 8,2 tỷ USD (tương đương khoảng 189.000 tỷ đồng).
Trên cơ sở "vốn liếng" sẵn có cùng đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, Thái Nguyên tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển các hệ thống hạ tầng công nghiệp. Điển hình là việc kêu gọi Samsung đầu tư nhà máy tại Thái Nguyên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5/6 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy đạt 59,8%; 23/35 cụm công nghiệp được hình thành, tỷ lệ lấp đầy đạt 41,73%.
Đây là động lực phát triển mạnh cho Thái Nguyên. Lực lượng lao động lớn được thu hút về đây để tham gia chuỗi quá trình phát triển công nghiệp tạo ra lao động mới, dân số mới: trẻ, trí thức, có trình độ, mang lại sự phát triển sôi động của thành phố.
Thời gian qua, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ tích cực cải cách hành chính, mời gọi đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất, nên từ đầu năm đến nay tỉnh Thái Nguyên vẫn thu hút được nhiều dự án đầu tư mới với quy mô vốn lớn. Các dự án FDI đều thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Các dự án FDI đi vào hoạt động giúp Thái Nguyên không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu, tạo công ăn việc làm thu nhập cao cho nhiều lao động, mà còn tạo hiệu ứng, lan tỏa tới các nhà đầu tư khác tìm đến Thái Nguyên như một địa chỉ đầu tư tin cậy.
Sát cánh đồng hành cùng doanh nghiệp
Về xu hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cho biết, sẽ tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện, thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; tạo động lực, sự đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư trên địa bàn, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã thành lập Tổ tiếp nhận thông tin hỗ trợ nhà đầu tư về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kịp thời tham mưu giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư, bảo đảm các dự án được triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các dự án đang triển khai theo kế hoạch, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền cấp huyện làm việc trực tiếp với nhà đầu tư để thống nhất những nội dung liên quan về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, trong điều kiện kinh tế - xã hội của cả nước hết sức khó khăn, để kinh tế của tỉnh vẫn đảm bảo mức tăng trưởng nhanh trong cả năm 2020, Thái Nguyên tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, triệt để các biện pháp phòng, chống, dịch Covid-19; tập trung giải quyết các “điểm nghẽn”, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các DN của tỉnh; đồng thời xây dựng nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ đạo sát sao việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tiến hành rà soát, đánh giá lại tổng thể về tính hợp lý và hiệu quả của các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách có liên quan đến quỹ đất, sử dụng lao động, hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với những trường hợp để lãng phí tài nguyên đất, gây ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thấp...
Trong các tháng cuối năm, tỉnh ưu tiên quỹ đất tại Khu công nghiệp Sông Công II và tiếp tục phát triển các khu công nghiệp, để chớp lấy cơ hội thu hút đầu tư những lĩnh vực công nghiệp chủ đạo, công nghiệp phụ trợ của các tập đoàn lớn dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài sang.../.